Vất vả trọ học xa nhà
Vì nhà xa trường nên nhiều học sinh phổ thông ở huyện Krông Bông đang phải thuê nhà trọ để thuận tiện cho việc cắp sách tới trường. Cuộc sống tự lập sớm khiến nhiều em phải đối mặt với không ít những khó khăn hằng ngày.
Sống tự lập sớm khiến các em học sinh gặp nhiều khó khăn. |
Ngay khi bước chân vào lớp 10 ở Trường THPT Krông Bông, em Nguyễn Trần Kim Thư, buôn Tlia, xã Hòa Phong phải cùng bạn thuê nhà trọ ở thị trấn Krông Kmar vì nhà cách trường hơn 20km. Kim Thư cho biết: “Khi còn ở nhà, mọi thứ đều có cha mẹ lo lắng, nhưng khi sống tự lập, em phải tự lo tất cả từ việc ăn uống đến giặt giũ, mua sắm. Đối với những học sinh lần đầu tiên sống xa gia đình như em, lúc đầu, ai cũng cảm thấy buồn, nhớ nhà vì chưa có bạn, không có người quen và cũng không có phương tiện để giải trí”. Căn phòng trọ của Thư rộng khoảng 6m2, nhưng là nơi sống, sinh hoạt và học tập của 3 học sinh nữ. Ở chật chội một chút nhưng việc ở ghép nhiều người đã giúp các em tiết kiệm tiền để học thêm, mua đồ dùng học tập. Việc ở ghép còn giúp các em thuận lợi hơn trong việc đi chợ, nấu ăn hằng ngày, nhất là trong thời buổi giá tất cả các mặt hàng đều tăng như hiện nay. “Lúc mới ở trọ, em nhớ nhà lắm, nhưng nhờ bạn bè động viên, giúp đỡ nên dần dần cũng quen. Vì nhà ở xa nên mỗi tháng em chỉ về thăm gia đình 2 lần. Nhiều lúc ốm đau, em cũng không dám thông báo cho gia đình biết sợ mọi người lo lắng, nên hầu như bạn bè chăm sóc là chính”- Kim Thư bộc bạch.
Trên địa bàn thị trấn Krông Kmar hiện có khá nhiều học sinh từ các xã Hòa Phong, Hòa Tân, Cư Kty, Ea Trul, Yang Ré ở trọ để học tập. Hầu hết các em học sinh thuộc diện gia đình làm nông, kinh tế rất khó khăn nên thường rủ nhau chọn những căn phòng chật hẹp, hơi xa trường với giá rẻ để thuê ở trọ. Nhiều học sinh cho biết, ba năm theo học tại trường THPT là quãng thời gian mà các em phải thuê trọ và sinh hoạt trong cảnh hết sức chật hẹp, thiếu thốn đủ bề. Đặc biệt, những năm gần đây, giá cả thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, nhà trọ... đều tăng càng làm cho cuộc sống của những học sinh học xa nhà trọ học gặp không ít khó khăn. Mỗi tháng, gia đình Kim Thư gửi cho 800.000 đồng để trang trải mọi sinh hoạt bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước, ăn uống... nhưng, với tình hình hiện nay, mặc dù em và các bạn cố gắng chi tiêu thật tằn tiện nhưng tháng nào cũng thiếu trước hụt sau.
Bên cạnh những khó khăn về tài chính, nhiều học sinh ở trọ cũng gặp không ít rắc rối trong sinh hoạt hằng ngày. Em Nguyễn Văn Hòa (xã Ea Trul) cho biết: “Khu em ở có rất nhiều người thuộc nhiều thành phần thuê trọ nên giờ giấc sinh hoạt cũng có phần khác nhau. Mỗi ngày, em phải học bài lúc đêm khuya hoặc sáng sớm vì những khoảng thời gian khác trong ngày thường rất ồn ào”. Không những vậy, vì ở trọ, không có gia đình quản lý, nhắc nhở, nên chuyện ăn uống của các em cũng không điều độ, nhất là vào những tháng thi cử, nhiều em vì ngại nấu ăn nên chỉ “độc diễn” món mì tôm khiến nhìn ai cũng hốc hác. Bên cạnh đó, việc quản lý học sinh ở trọ tại nhiều nhà trọ còn lỏng lẻo đã kéo theo tình trạng nhiều em tự do vui chơi mà chểnh mảng chuyện học hành. Nhiều học sinh lao vào chuyện yêu đương nên bỏ bê việc học hành…
Mục đích của phụ huynh cho con đi học xa nhà không nằm ngoài việc muốn con có cơ hội tốt nhất, giúp con có kiến thức bước vào đời. Nhưng một thực trạng đáng buồn hiện nay là nhiều phụ huynh “lười” đi thăm con. Cho con đi học xa nhà, biết con có thể bị các bạn xấu dụ dỗ nhưng họ lại “ngại” đi xa thăm con để biết cuộc sống của con hiện nay như thế nào. Thậm chí, có phụ huynh chỉ biết chu cấp đầy đủ những gì mà con yêu cầu, còn việc quản lý các em đã có “ nhà trường và nhà trọ lo” (!) Vì vậy, để tạo môi trường sống tốt, giúp các em yên tâm học tập, chính quyền địa phương, các chủ nhà trọ, gia đình và nhà trường nên có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý, giáo dục học sinh. Đồng thời, các hoạt động vui chơi giải trí bổ ích, lành mạnh cũng cần được tổ chức thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho các em sinh hoạt và học tập tốt hơn.
Nguyễn Trung Thu
Ý kiến bạn đọc