Những tấm gương hiếu học ở buôn làng
“Của cải, vật chất có thể mất đi nhưng kiến thức tích lũy được thì còn mãi” là suy nghĩ của nhiều gia đình người Êđê ở các buôn làng. Vì thế, dù hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn nhưng họ vẫn quyết tâm nuôi con ăn học, động viên các con phấn đấu vươn lên học tập để trở thành người có ích cho xã hội…
Truyền cho con khát vọng học tập
Chị H’Ruin hỏi thăm tình hình học tập của cô con gái út H’Trinh. |
Sự ngoan ngoãn, chăm học của “lũ con” nhà chị H’Ruih Êban và anh Y Wét Mlô vẫn được bà con buôn Ko Tam xã Ea Tu (Buôn Ma Thuột) lấy ra để làm gương cho con cháu mình. Hiện nay, trong số 4 người con của chị H’Ruih thì ba người đã và đang học đại học, còn cô con gái út cũng mới học xong THPT và đang ôn thi vào đại học. Càng đáng khâm phục hơn khi biết rằng: để nuôi các con ăn học và có kết quả như ngày hôm nay, vợ chồng chị H’Ruih đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Quyết tâm “dù nghèo khổ thế nào cũng phải cho các con ăn học bằng mọi giá” được chị H’Ruih Êban nung nấu từ ngày chị phải bỏ học vì hoàn cảnh quá khó khăn. Cha mẹ là liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968, chị H’Ruih được ông Y Jai Niê và bà H’Dit Êban ở buôn Ko Tam nhận làm con nuôi từ khi còn ẵm ngửa. Lúc nhỏ, chị đã từng khao khát đi học đến mức trên đường đến rẫy cởi gùi ra gửi nhà người quen để trốn đi học. Được cha mẹ nuôi đồng ý cho đi học, hằng ngày, một buổi đến trường, một buổi chị phụ việc gia đình như giã gạo, đổi công rồi bán khoai, bán mía để có tiền đi học. Học đến lớp 8, khi cha mẹ nuôi chuyển ra định canh định cư để H’Ruih ở lại nhà sàn dài buôn cũ với bầy heo, hoàn cảnh quá khó khăn nên H’Ruih đành bỏ học rồi lấy chồng. Bốn đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống vô cùng thiếu thốn, vừa làm rẫy nhà, làm thuê, chị H’Ruih vừa phải địu con đạp xe đi mua bán ở các buôn xa, làng gần để có tiền nuôi con. Khó khăn, chật vật là thế nhưng chị rất quan tâm đến việc học của các con. Ngay từ khi các con còn nhỏ, vợ chồng chị đã kiên trì kèm cặp, uốn nắn để việc học hành của con đi vào nền nếp. Chị luôn động viên con “chẳng có ai dốt cả, chỉ có người không siêng năng, chăm chỉ học hành”, “dù có dốt đến đâu thì học lâu cũng biết”; luôn nhắc nhở các con tự học. Nhờ vậy, cả 4 người con của chị đều siêng năng, chăm học, không có tiền đi học thêm nên anh em tự bảo ban nhau học hành. Vợ chồng chị H’Ruih dành hết mọi ưu tiên cho việc học của các con, bữa cơm hằng ngày chủ yếu là rau quả có sẵn trong vườn, thu nhập đều dồn lo chi phí học tập. Có những thời điểm cực kỳ khó khăn, cả ba đứa con học đại học, vợ chồng chị phải vay mượn khắp nơi, xoay sở làm đủ mọi việc để có tiền gửi cho các con. Không phụ lòng cha mẹ, các con của chị đều học hành tấn tới, có chí phấn đấu; ngoài giờ học, các con chị còn đi làm thêm như gia sư, phục vụ nhà hàng, bán hàng… để trang trải chi phí, đỡ đần cha mẹ. Người con trai cả Y Chương sau khi tốt nghiệp THPT đã làm đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau khi phục viên, cậu tiếp tục ôn thi đại học và thi đỗ vào ngành Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh. Giờ đây, Y Chương đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá và hiện đang công tác tại Ngân hàng Agribank TP.Hồ Chí Minh. Cậu con trai thứ hai là Y Choi Êban cũng đã tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán, Trường Đại học Tây Nguyên và hiện đang là giáo viên Trường THCS Ea Tu. Cậu con trai thứ ba là Y Thoan đang là sinh viên năm thứ 4 ngành Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh. Quyết tâm vào được đại học, cô con gái duy nhất H’Trinh hiện ở nhà vừa giúp cha mẹ làm việc nhà, vừa dùi mài kinh sử để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Để làm gương cho các con, bản thân chị H’Ruih Êban cũng nhiệt tình tham gia công tác xã hội, anh Y Wét Mlô chăm chỉ làm kinh tế cải thiện cuộc sống gia đình. Hiện nay, chị H’Ruih vừa là thành viên Đội công tác 253, Chi hội phó Chi hội phụ nữ buôn Ko Tam vừa kiêm thêm công việc môi giới, giới thiệu việc làm cho thanh niên trong xã. Là một hộ điển hình ở xã, gia đình chị H’Ruih đã từng vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm.
Quyết tâm nuôi các con ăn học thành người
Cả ba thế hệ gia đình ông Y Tăng chung sống hòa thuận trong một căn nhà. |
Năm 1975, khi mới cưới nhau, dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng vợ chồng ông Y Tăng Êban và bà H’Neo Byă ở buôn Dhă Prông, xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột) đã quyết tâm phải làm cho được 3 việc: giữ gìn hạnh phúc gia đình, làm kinh tế giỏi và nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Đến nay thì tâm nguyện đã hoàn thành và để được như ngày nay vợ chồng ông đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Bảy người con lần lượt ra đời và nuôi chúng ăn học quả là điều không dễ dàng. Khi các con đi học, cứ vào đầu năm học, ông bà phải đi vay mượn khắp nơi để trang trải chi phí và mọi khoản nợ, chi tiêu trong gia đình đều trông chờ hết vào mỗi vụ thu hoạch cà phê. Có những lúc khó khăn, thiếu thốn tưởng chừng không vượt qua được nhưng chưa bao giờ ông Y Tăng có ý định để các con nghỉ học, dù ở trong buôn nhiều nhà phải cho con nghỉ học để làm nương rẫy. Nhờ vậy, cả 7 người con của ông đều học hết bậc THPT; ngoài cô con gái đầu H’Duyên Byă học xong lớp 12 thì lập gia đình và làm nông, những người con còn lại hiện đang công tác tại các cơ quan trong tỉnh. Cậu con trai thứ hai là Y Điệp Byă đã tốt nghiệp trung cấp y tế và hiện công tác tại Khoa giải phẫu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cô con gái thứ ba là H’Uyên cũng tốt nghiệp trung cấp dược và làm tại Khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Y Duy - cậu con trai thứ tư – sau khi học xong Học viện Biên phòng đã về công tác tại Bộ đội biên phòng tỉnh. Người con trai kế tiếp là Y Chương tốt nghiệp trung cấp an ninh và đang công tác tại Công an TP.Buôn Ma Thuột. Người con thứ 6 là Y Dương học xong lớp 12 đã nhập ngũ và hiện đang công tác tại xã đội Cư Êbur. Cô con gái út H’Vinh cũng tốt nghiệp trung cấp y tế và hiện làm việc tại Phòng khám, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Không thua kém các con, vợ chồng ông Y Tăng cũng miệt mài học cách làm kinh tế giỏi. Tích lũy kiến thức về chăn nuôi trồng trọt từ các khóa tập huấn khuyến nông, từ ti vi, sách báo và từ những người đi trước, ông bà đã áp dụng thành công cho mô hình kinh tế nông lâm kết hợp của gia đình. Hiện nay, với 8 sào ruộng và 6,2 ha cà phê kết hợp trồng các loại cây ăn quả như na, sầu riêng, chôm chôm… mỗi năm gia đình ông Y Tăng có thu nhập hàng trăm triệu đồng, kinh tế ổn định. Dù các con đã có gia đình riêng nhưng vẫn cùng chung sống với ông bà. Cả 3 thế hệ trong một nhà sống chung hòa thuận, bảo ban nhau cùng phấn đấu. Ông Y Tăng Êban luôn tự hào những đứa con của mình đều được học hành đến nơi đến chốn.
Dù khó khăn vẫn nuôi dạy các con thành người có ích cho xã hội
Bà H’Buit Niê Siêng (mặc trang phục truyền thống Êđê) cùng đại diện các gia đình hiếu học tiêu biểu tại Đại hội biểu dương gia đình hiếu học tỉnh năm 2013. |
Những năm đầu sau giải phóng, giữa những bộn bề khó khăn như không có đất canh tác, nhà ở tạm… song vợ chồng bà H’Buit Niê Siêng và ông Y Bhiêt Byă ở buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng (Cư M’gar) vẫn bảo nhau phải quyết tâm cho các con đi học. Là một giáo viên nên luôn ông Y Bhiêt Byă động viên vợ và các con phấn đấu học để nên người.
Năm 1980, hai vợ chồng bà H’Buit nhận được hơn 8 sào đất tái định cư. Có đất canh tác nhưng con đông nên khó vẫn hoàn khó. Chồng đi dạy ngày hai buổi nên hằng ngày, mọi công việc từ làm vườn đến chăm sóc con cái đều trông vào một tay bà H’Buit. Bà vừa cõng con vừa làm vườn, lấy ngắn nuôi dài như trồng đậu trồng ngô, xen canh với cà phê và cây ăn trái. Vất vả cả ngày nhưng tối về bà vẫn cùng chồng thay phiên nhau bảo ban, chỉ dạy các con học bài. Cuộc sống thiếu thốn nên ông bà luôn phải vay mượn để mua sách vở, đồ dùng học tập cho các con.
Dù hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng được sự động viên, kèm cặp của cha mẹ, các con bà H’Buit đều phấn đấu học tập, đến nay đã có công ăn việc làm ổn định; đặc biệt nhiều người đã trở thành những đảng viên gương mẫu. Cô con gái đầu H’Jewel Niê Siêng hiện đang là y tá của buôn Kroa B, chị cũng là thành viên tích cực trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của buôn, hoạt động của chi hội phụ nữ buôn; người con đầu của chị hiện cũng đang học năm thứ nhất ngành Giáo dục thể chất tại Đại học Tây Nguyên. Người con thứ hai là H’Jewin Niê Siêng (sinh 1975) cũng theo nghiệp của bố, đã tốt nghiệp ngành tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak và hiện đang là giáo viên tại Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, xã Ea Drơng (Cư M’gar) và đã được kết nạp Đảng. Cậu con trai Y Chương Niê (sinh 1978), tốt nghiệp ngành Nông lâm Trường Đại học Tây Nguyên, hiện là cán bộ Nông trường Cao su Phú Xuân, cũng là một đảng viên. Cô con gái H’Tinh Niê Siêng (sinh 1983) tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak, hiện là giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng ở thị trấn Kiến Đức (tỉnh Dak Nông). H’Tinh là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và cũng đã vinh dự được kết nạp Đảng. Một người con trai khác của ông bà là Y Quí Niê Siêng (sinh 1986), tốt nghiệp khoa Mác – Lênin Trường Đại học Tây Nguyên và hiện công tác tại Tỉnh Đoàn. Còn người con trai út là Y Quan Niê Siêng (sinh 1989) hiện đang là sinh viên khoa Chính trị Mác – Lênin Trường Đại học Tây Nguyên.
Hồng Thủy – Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc