Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học ở Krông Bông

07:26, 15/05/2013

Huyện Krông Bông hằng năm có gần 2% học sinh bỏ học; tỷ lệ học sinh bỏ học cao tập trung ở các trường tiểu học, THCS vùng sâu, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học chủ yếu do hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ huynh chưa nhận thức được tầm quan trọng việc học của con em, lực học của học sinh yếu và tập trung ở các lớp đầu cấp.

Trước tình trạng đó, ngay từ đầu năm học 2012-2013, lãnh đạo huyện Krông Bông đã tổ chức quán triệt đến lãnh đạo các xã, thị trấn, Phòng Giáo dục – Đào tạo và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện về công tác phối hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là việc duy trì sĩ số học sinh. Ông Trần Quốc, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện cho biết: Từ đầu năm học đến nay, Phòng Giáo dục – Đào tạo đã mở 2 hội thảo chuyên đề tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra những giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học; thường xuyên nắm tình hình học sinh bỏ học bằng việc thanh tra, kiểm tra, cập nhật báo cáo thường kỳ của các trường qua mạng email nội bộ. Chỉ đạo các trường tăng cường thực hiện các giải pháp như làm tốt công tác chủ nhiệm; phối hợp với thôn buôn, gia đình; tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh bỏ học để có biện pháp giúp đỡ; đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp… Phòng cũng đã tham mưu với lãnh đạo huyện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn như Trường THCS Yang Mao, Tiểu học Yang Hăn, Tiểu học Cư Pui 2, THCS Hòa Phong… Cán bộ của phòng cũng thường xuyên xuống cơ sở, phối hợp với các địa phương, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phổ cập giáo dục…

Trong thời gian vừa qua, các trường trong toàn huyện cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt là các trường có tỷ lệ học sinh bỏ học cao. Trường THCS Hòa Sơn tổ chức nuôi heo đất để hỗ trợ những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trường Tiểu học Cư Pui 1 tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đội, sao nhi đồng, phối hợp với Đài truyền thanh của xã thông báo danh sách trích ngang từng học sinh bỏ học đến từng thôn buôn, hộ gia đình. Trường THCS Cư Drăm thực hiện tốt hoạt động ngoài giờ lên lớp, bảo đảm “3 đủ” cho học sinh, quan tâm đến học sinh vùng di cư. Trường THCS Yang Mao khi có học sinh bỏ học thì giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chuyên trách phổ cập, công đoàn, Ban giám hiệu đến nhà để vận động. Trường THCS Cư Pui phát huy hiệu quả mô hình bán trú dân nuôi... Hầu hết các trường đưa nội dung duy trì sĩ số vào tiêu chí xếp loại thi đua cuối năm, cam kết giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh và nhà trường ngay từ đầu năm học, gắn với trách nhiệm đảng viên, đưa vào nội dung chuyên đề cụm thi đua… Từ các giải pháp, hoạt động thiết thực đã ngăn được số lượng lớn học sinh bỏ học và vận động được hơn 20 học sinh bỏ học ra lớp; 29/55 trường không có học sinh bỏ học. Ông Nguyễn Ngọc Thế, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 2 cho biết: “Nhà trường có 1.493 học sinh, trong đó 97% là học sinh người dân tộc Mông di cư. Hằng năm tỷ lệ học sinh bỏ học hơn 3%. Năm học này nhà trường đã thực hiện rất nhiều giải pháp nhằm duy trì sĩ số, vận động được một số học sinh bỏ học ra lớp nên tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm xuống còn 1,2%”. 

Hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh Trường Tiểu học Cư Pui 2.
Hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh Trường Tiểu học Cư Pui 2.

Tuy vậy, từ đầu năm học 2012-2013 đến nay, toàn huyện Krông Bông vẫn còn 291/19.807 học sinh bỏ học trong đó bậc Tiểu học là 64 em, THCS là 227 em. Một số trường có tỷ lệ học sinh bỏ học cao: Trường THCS Yang Mao (9,4%), Trường THCS Hùng Vương (6,8%), Trường THCS Cư Pui (6,2%), Trường THCS Ea Trul (5,6%)... Ông Hồ Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường THCS Yang Mao cho biết: “Từ đầu năm đến nay nhà trường có 29 học sinh bỏ học. Đa số học sinh bỏ học là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà có đông anh em, lực học yếu kém. Khi học sinh có dấu hiệu bỏ học thì giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chuyên trách phổ cập và Ban giám hiệu đến nhà nhiều lần động viên nhưng phần lớn phụ huynh không có ý định cho con tiếp tục ra lớp với những lý do như gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu nhân lực lao động, lớn tuổi... Một số phụ huynh có ký cam kết cho con ra lớp nhưng vẫn không có kết quả”. 

Học sinh bỏ học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, chất lượng phổ cập giáo dục của địa phương. Thiết nghĩ, để giảm thiểu được tình trạng này cần nâng cao nhận thức của phụ huynh, ý thức học tập của học sinh; cải thiện điều kiện học tập, đổi mới phương pháp dạy học; hỗ trợ và cấp phát đầy đủ, kịp thời chế độ cho học sinh nghèo…

Tùng Lâm

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.