Ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Jrai, Khmer và Mông
Bộ GD&ĐT vừa ban hành các chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số gồm: Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Jrai; tiếng Khmer và tiếng Mông. Hiệu lực thi hành từ ngày 16-7-2013.
Ảnh minh họa: T.H |
Giáo viên dạy môn tiếng Jrai, Khmer, tiếng Mông trong các cơ sở giáo dục phổ thông và TTGDTX; các đối tượng có nguyện vọng giảng dạy môn tiếng Jrai, tiếng Khmer và tiếng Mông nhưng chưa qua các lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng về dạy tiếng Jrai cũng được xem xét cho phép tham dự các lớp bồi dưỡng theo chương trình này. Chương trình được biên soạn làm cơ sở cho việc biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Jrai, tiếng Khmer và tiếng Mông; đồng thời là căn cứ để triển khai các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả các hoạt động dạy của giảng viên và hoạt động học của học viên theo chương trình này.
Việc biên soạn tài liệu cần chú ý đến các vấn đề: Đặc trưng của ngôn ngữ Jrai, Khmer, Mông; xu thế dạy học tiếng dân tộc cho người học các vùng dân tộc thiểu số hiện nay, gắn kết dạy kiến thức lí thuyết (về ngôn ngữ, văn hóa, phương pháp giáo dục và giảng dạy) với thực hành giao tiếp và giảng dạy tiếng Jrai trên lớp học, gắn nội dung dạy học với thực tiễn đời sống và thực tiễn giao tiếp của người Jrai; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng các phương tiện dạy học, thiết bị nghe nhìn vào thực tiễn dạy học.
Về phương pháp bồi dưỡng, cần giảm thời lượng lên lớp và giảng dạy lý thuyết; tăng thời lượng tự học, tự nghiên cứu, tăng cường học tập tương tác, thực hành và rút kinh nghiệm qua thực tế dạy học. Hình thức tổ chức bồi dưỡng cần linh hoạt cho phù hợp với đối tượng, có thể tổ chức bồi dưỡng tập trung một đợt hay nhiều đợt nhưng phải đảm bảo thời lượng theo quy định của chương trình.
Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập đòi hỏi phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Chỉ đánh giá và xét kết quả học tập cho những học viên có mặt và tham gia tích cực các hoạt động học tập trên lớp tối thiểu 80% số tiết của học phần và thực hiện đầy đủ các bài tập được giao. Kết quả học tập của học viên được đánh giá qua các bài tập lớn, bài thi giữa học phần, bài thi kết thúc học phần, bài kiểm tra thực hành giảng dạy được quy định trong đề cương chi tiết của học phần. Kết quả học tập các học phần là căn cứ để các cơ sở giáo dục được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ bồi dưỡng xét cấp chứng chỉ tốt nghiệp khóa bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Jrai ở các cơ sở giáo dục phổ thông và TTGDTX.
Nguồn gdtd.vn
Ý kiến bạn đọc