Giáo dục giá trị xã hội
Trong phần văn nghị luận xã hội, câu 2 của đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 yêu cầu: “Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau: Chiều ngày 30-4-2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, Trường THPT Đô Lương I) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ 5 vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi" (Theo Khánh Hoan,Thanh Niên Online, ngày 6-5-2013)”
Theo yêu cầu từ đề bài, thông qua câu chuyện về hành động của bạn Nguyễn Văn Nam, các thí sinh phải bày tỏ được suy nghĩ nghiêm túc của mình về lòng dũng cảm, về tình yêu thương, sự hy sinh vì cộng đồng.
Đây là một đề tài có tính thời sự trong bối cảnh nhìn vào những tin tức đăng tải hằng ngày trên các phương tiện truyền thông thì dễ thấy những biểu hiện của thói ích kỷ, vụ lợi, sự vô cảm, vô trách nhiệm với bản thân và cộng đồng của không ít bạn trẻ hiện nay. Hành động cứu người của Nguyễn Văn Nam cho thấy đạo đức nằm trong chính con người (đạo đức tự trị) chứ không phải ở bên ngoài hay trên cao (đạo đức ngoại trị). Tôi làm việc thiện, không phải vì nguyên tắc nào buộc tôi phải thế mà vì tôi tự thấy như vậy là có ích, có lợi cho tôi và cho người khác, cho xã hội.
Nhờ đâu mà cá nhân có được “đạo đức tự trị” như vậy? Hẳn rằng không phải do đặc điểm tự nhiên của cá nhân mà phần lớn là do đặc điểm xã hội, do quá trình giáo dục từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Trẻ phải biết rằng, vì sao phải tôn trọng kỷ luật của đời sống tập thể - Vì lợi ích cho mình và cho tập thể. Vì sao phải tập trung chú ý nghe người khác nói, phải im lặng cả khi kéo một chiếc ghế trong lớp học - đó là vì tôn trọng người khác, cũng là tôn trọng mình. Được học hỏi những điều như vậy, lớn lên, trẻ sẽ có những thói quen tốt, làm những việc tốt không phải vì người khác nhìn vào mà vì ý thức được đó là điều phải làm, nên làm.
Trang bị cho cá nhân bản lĩnh để nhận thức về cái thiện, cái ác; điều gì đáng được tôn trọng, điều gì đáng bị khinh bỉ, lên án… đó chính là giáo dục giá trị xã hội. Một cộng đồng mạnh là cộng đồng bao gồm các cá nhân coi trọng ý thức của chính mình về điều mình phải làm, chứ không phải chỉ làm điều phải làm khi có người chứng kiến còn khi không ai biết, không ai thấy thì tự cho phép mình không làm điều phải làm, thậm chí còn làm điều sai trái.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc