Lại “nóng” lò luyện thi
Đã thành thông lệ, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các sĩ tử lại đổ dồn về TP. Buôn Ma Thuột để luyện thi đại học, cao đẳng. Có cầu ắt có cung, các lò luyện thi đua nhau mọc như… nấm; hàng trăm băng rôn, áp phích quảng cáo trải khắp các đường phố với những lời quảng cáo mời mọc gia đình sĩ tử… tuy nhiên khi mục sở thị các lớp luyện thi mới thấy được một số bất cập.
Đến hẹn lại lên, các lò luyện thi đua nhau mọc lên. |
Dọc các tuyến đường: Lê Duẩn, Y Wang, Phan Chu Trinh, Mai Thị Lựu… những ngày này mới thấy sự náo nhiệt của các lò luyện. Trên các tuyến đường này, ngay từ 6 giờ 30 sáng, bóng dáng các em học sinh với cặp sách lỉnh kỉnh vẫn đều đặn đến lò luyện thi để “dùi mài kinh sử”. Đến sớm để vừa học bài, vừa giành chỗ là mục đích của em Nguyễn Thị Xuân (Ea H’leo). Xuân cho biết: “Thi xong tốt nghiệp THPT là em bắt xe lên thành phố để tìm phòng trọ luyện thi. Mặc dù đã dành thời gian để tìm hiểu về các trung tâm luyện thi nhưng dọc đường lên thành phố có quá nhiều băng rôn quảng cáo của các trung tâm khiến việc chọn lò luyện rất khó khăn. Đi một vòng, thấy lò luyện nào cũng na ná như nhau, cuối cùng em chọn lò luyện ở đường Lê Duẩn, gần phòng trọ. Vào học ngay những buổi đầu mà lớp đã đông chật kín người, phòng học chỉ rộng 40 m2 mà có tới 50 học sinh nhồi nhét. Đã thế, cứ mỗi ngày lại thêm vài bạn; cửa mở, ba cái quạt chạy hết công suất mà vẫn cứ ngột ngạt bức bí”.
Theo khảo sát của chúng tôi, khóa học cấp tốc thường kéo dài 1 tháng, mỗi môn 15 buổi, mỗi buổi 1,5 – 2 giờ, giá mỗi môn bình quân 450.000 – 500.000 đồng, riêng các môn năng khiếu như vẽ, âm nhạc… có giá 70.000 đồng/buổi. Thời gian ôn thi quá ngắn để thuê phòng trọ nên nhiều trung tâm đã móc nối với các nhà trọ, thuê làm ký túc xá cho học sinh với giá “cắt cổ”. Em Cao Thị Khuê ở đường Nguyễn Viết Xuân cho biết: “Khi mới đến thuê thì bác chủ nhà bảo hai người/phòng với giá 1.000.000 đồng, bao cả điện nước. Nhưng được vài ngày lại thêm người nữa vào ở mà vẫn phải trả thêm 500.000 đồng. Phòng 30m2, 1 gác lửng, không vật dụng mà giá 1,5 triệu đồng/phòng/tháng là quá đắt. Thế nhưng muốn chuyển chỗ cũng không được vì đã đóng tiền phòng ngay từ buổi đầu nên chuyển đi nơi khác không còn tiền mà đóng nữa”.
Về chất lượng các lò luyện thi, em Cao Thị Ánh ở huyện Cư M’gar cho biết: “vì thi khối C, hầu hết các môn đều là học thuộc, nên em đã tham khảo kỹ các lò luyện và chấp nhận học phí đắt hơn khi chọn mỗi giáo viên một môn, một trung tâm để học. Thế nhưng kiến thức chỉ có vậy, chủ yếu là những kiến thức cũ đã được học, đã có trong sách giáo khoa và khi tới lớp giáo viên đọc, học sinh chép. Tất cả chỉ là đọc chép, khi làm bài tập cũng vậy. Bởi, một phòng học chỉ rộng bằng cái phòng trọ mà có tới hàng chục học sinh thì khi giáo viên giảng, học sinh có lắng nghe đến bao nhiêu thì phía cuối lớp cũng chỉ còn tiếng rì rào mà thôi”.
Thực trạng của các lò luyện thi không phải ai cũng không biết, nhưng vì tâm lý bằng bạn bằng bè, nhiều gia đình khó khăn cũng cố gắng dành dụm, vun vén để con cái có một khoản tiền kha khá lên phố luyện thi. Ông Trần Văn Chỉnh ở huyện Krông Ana cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn nhưng con cái không thể không đi học. Vì muốn đứa đầu làm gương cho những đứa sau mà gia đình đã phải bán đi một con bò để cháu có tiền đi lò luyện. Biết là rất khó chọn được trung tâm tốt nhưng có luyện có hơn, không đậu đại học thì cao đẳng, trung cấp cũng được. Miễn sao thoát khỏi nghề nông, chân lấm tay bùn”.
Không chỉ luyện tại trung tâm, về phòng trọ nhiều học sinh lại lao vào học; học ngày học đêm, cứ buồn ngủ lại uống cà phê để học. Thời gian học thì nhiều mà chỉ ăn cơm bụi nên sức khỏe bị giảm sút, việc ngất xỉu trong phòng thi hay đến ngày thi thì sốt cao không thi được là điều không phải hiếm. Do vậy, ngoài việc học tập khoa học, các em học sinh nên chú ý ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ để bảo đảm sức khỏe cho mùa thi.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc