Hướng nghiệp đúng góp phần phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS
Phân luồng học sinh (HS) sau tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng bậc học THPT và hướng tới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai. Song cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, việc phân luồng ở Dak Lak đang gặp khó khăn từ các bên: nhà trường, gia đình và xã hội.
Tăng cường hướng nghiệp gắn với giải quyết tốt việc làm
Ba năm học trở lại đây, trung bình mỗi năm học Dak Lak có hơn 30.000 HS tốt nghiệp THCS, song chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 hệ THPT chỉ xấp xỉ 78-87% trong số đó. Như vậy mỗi năm có khoảng 4.000 em tốt nghiệp THCS phải học tiếp bậc THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp nghề (TCN) hoặc các luồng khác như học nghề tư nhân, lao động sản xuất.... Điều này đặt ra thách thức cho ngành giáo dục, bởi nếu không thực hiện tốt việc phân luồng sẽ vô tình đẩy một bộ phận không nhỏ HS có học lực yếu, hoàn cảnh gia đình khó khăn phải “vào đời” sớm. Vì vậy những năm gần đây, ngành giáo dục đã đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp, giúp HS sau tốt nghiệp THCS định hướng nghề nghiệp cho tương lai, chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của bản thân. Nếu như năm học 2010-2011 toàn tỉnh có 3.232 em sau tốt nghiệp THCS (tương đương 8,81% tổng số HS tốt nghiệp) không tiếp tục học, vào các trường nghề hoặc lao động sản xuất thì năm học 2012-2013 chỉ còn 95 em (chiếm 0,31% tổng số em tốt nghiệp THCS). Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, việc phân luồng học sinh sau THCS tuy có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém, phát triển giáo dục-đào tạo không cân đối giữa các luồng, hiệu quả xã hội của phân luồng chưa cao, các luồng phụ chưa thông thoáng. Một phần nguyên nhân xuất phát từ chính quan niệm của phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung là chỉ muốn con em mình vào học THPT sau khi tốt nghiệp THCS (phần lớn HS tốt nghiệp THPT thường đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, chỉ khi nào không đỗ mới chuyển sang học TCCN hoặc TCN, số còn lại ở nhà ôn tập chờ năm sau thi tiếp hoặc tìm kiếm việc làm khác). Ngoài nguyên nhân khách quan trên thì công tác giáo dục hướng nghiệp ở một số trường THCS chưa được chú trọng đúng mức; việc hướng nghiệp cho HS chỉ dừng lại ở việc dạy 9 tiết hướng nghiệp/năm học cho HS lớp 9; đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh chưa gắn kết với giải quyết việc làm nên chưa thu hút HS sau tốt nghiệp THCS vào học.
Học sinh tham gia ngày hội tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh. |
Phân luồng - nhìn từ thị xã Buôn Hồ
Phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS là công việc khó khăn, ngành giáo dục không thể một mình làm tốt được. Kinh nghiệm phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS ở thị xã Buôn Hồ cho thấy, bên cạnh thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS khối lớp 8, 9 còn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có chính sách ưu tiên, hỗ trợ về tài chính đối với HS có hoàn cảnh khó khăn, HS dân tộc thiểu số, diện chính sách… nhằm nâng cao nhận thức cho phụ huynh, động viên, tạo điều kiện cho các em học tập dưới mọi hình thức tùy vào năng lực. Chỉ trong 2 năm 2011 và 2012, Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Buôn Hồ đã giải quyết cho trên 100 HS vay vốn ưu đãi trên 3 tỷ đồng để theo học tại các trường TCCN, TCN trong và ngoài tỉnh. Ông Lê Hữu Khánh, chuyên viên Phòng GD-ĐT thị xã cho biết, trách nhiệm của ngành GD-ĐT là nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của phụ huynh, HS về công tác phân luồng. Không bó hẹp trong các tiết học chính khóa, hằng năm, đơn vị kết hợp với các phòng chức năng, Ban đại diện cha, mẹ học sinh tổ chức ngày hội việc làm, mời các trường TCCN, TCN có uy tín tham gia tư vấn, hướng nghiệp giúp các em định hướng phát triển và chủ động lựa chọn con đường tiếp tục học tập, với nhiều lựa chọn vào học tại các trường TCCN, TCN sau khi học xong lớp 9. Cùng với đó định hướng nghề nghiệp của Buôn Hồ khá cụ thể: đối với HS có kết quả học tập từ trung bình khá trở lên, định hướng cho các em chọn nguyện vọng thi tuyển, xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT; còn những HS có năng lực học tập trung bình trở xuống nên chọn học lớp 10 hệ bổ túc văn hóa tại trung tâm giáo dục thường xuyên, hoặc các trường TCCN, TCN với nhiều chế độ học bổng, miễn giảm học phí nhằm giảm gánh nặng chi phí học tập cho gia đình. Nhờ đó, liên tục nhiều năm liền, Buôn Hồ bảo đảm tỷ lệ 80-85% HS tốt nghiệp THCS vào học THPT, 8% vào các trung tâm GDTX, 5-8% vào các trường TCCN, TCN.
Phân luồng HS sau THCS là việc lựa chọn, sắp xếp mang tính xã hội để sau khi tốt nghiệp được tiếp tục đào tạo theo những khuynh hướng và ngành học phù hợp với nguyện vọng, năng lực, nhu cầu xã hội, hoặc tham gia lao động sản xuất. Với tình hình phát triển giáo dục và điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay, tỉnh ta xây dựng lộ trình giảm đầu vào lớp 10 THPT còn khoảng 70-75% để tăng tỷ lệ vào học hệ TCCN, TCN lên 10%, như vậy sẽ giảm được gánh nặng cho cấp THPT và giảm tốn kém cho một bộ phận HS có hoàn cảnh khó khăn, sức học yếu kém. |
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc