“Nghìn lẻ chuyện” đầu năm học
Cứ vào đầu năm học, sau đợt nghỉ hè, giáo viên trở lại với trường lớp. Khi nghe thông báo về việc phân công chuyên môn, tổ trưởng... nhiều giáo viên bắt đầu hồi hộp, không biết năm nay nhà trường sẽ phân công như thế nào; không biết dạy ít tiết hay nhiều tiết, có chủ nhiệm hay không và có “kiêm nhiệm” một chức vụ gì đó không.
Đầu năm có lẽ là thời điểm mà ban giám hiệu “đau đầu” với những phân công và có cả sự “kiện cáo”. Được lòng người này thì mất lòng người kia, ban giám hiệu phải đặt “chiếc cân” công bằng ở giữa để phân công phù hợp với trình độ chuyên môn của mỗi người. Có người vừa chủ nhiệm vừa làm thêm chức chủ tịch chữ thập đỏ; có người vừa dạy hai khối lớp vừa chủ nhiệm, kiêm luôn cả thư ký hội đồng, kiêm luôn cả chủ tịch công đoàn... Vì mỗi năm học có sự luân chuyển giáo viên từ vùng này đến vùng khác, từ trường này đến trường khác, nên đội ngũ, nhiệm vụ của đội ngũ hầu như phải xáo trộn, thay đổi.
Nhiều người sung sướng được phân công như ý. Có người hớn hở vì chủ nhiệm lại lớp cũ của năm ngoái, toàn những học sinh ngoan, hồ sơ sổ sách “cứ thế mà làm”. Có người lại “ớn” ra mặt, vì phải chủ nhiệm lớp có quá nhiều thành phần cá biệt, sợ ảnh hưởng đến thi đua, xếp loại. Có người bất mãn, có người bằng lòng. Thế là trong cuộc họp, ý kiến tiếp nối ý kiến. Ban giám hiệu đau đầu, đồng nghiệp phân bua, so sánh nhau, tạo thành những “hiềm khích” nho nhỏ. Tại sao cô X cũng giáo viên nhưng lại rảnh rang hơn, ít tiết hơn quy định? Tại sao cô Y cũng giáo viên, nhưng lại kiêm nhiệm cùng một lúc quá nhiều việc. Trải qua thời gian “thảo luận nhóm”, ban giám hiệu mới đi đến quyết định cuối cùng; phân công sao cho hợp tình, hợp lý, trong cái lý có cả cái tình, vì cùng chung mái trường, chung mục đích giáo dục.
Có những đồng nghiệp có con nhỏ, nhà ở xa; hay những đồng nghiệp mới ly hôn, gặp những khó khăn, cú sốc về gia đình vì thế cần tạo điều kiện, thông cảm với những đồng nghiệp ấy. Đã cùng công tác, giảng dạy nhiều năm với nhau trong một ngôi trường, điều ấy chẳng khác nào anh em trong một nhà. Và khi đã là một “gia đình” cùng đi chung trên một chuyến đò, thì còn gì quý hơn tình cảm tương thân tương ái, thấu hiểu và thông cảm cho nhau; tạo thêm niềm tin, sức mạnh trong một tập thể.
Đối với việc phân công nhiều hay ít, thiết nghĩ điều đó cũng không quan trọng. Đôi lúc, có những sự phân công, nhiệm vụ như vậy sẽ giúp chúng ta linh hoạt hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn trong công tác giáo dục. Vả chăng chuyên môn được phân công như thế nào cũng còn tùy thuộc vào năng lực của mỗi người. Đôi lúc trong một tập thể giáo viên, nếu mỗi người biết san sẻ gánh nặng cho nhau, bớt tỵ nạnh cho nhau thì có lẽ hay hơn. Bởi mỗi thầy cô là một tấm gương cho học trò noi theo, nếu vô tình để những “khuyết điểm” đó bộc lộ ra ngoài thì vô tình chúng là sẽ đánh mất hình ảnh đẹp trong mắt đồng nghiệp, trong mắt học trò.
Trong khi đồng lương giáo viên chưa cao, giá cả thị trường vẫn cứ leo thang, có rất nhiều giáo viên phải sống rất chật vật. Đầu năm học, những giáo viên ấy phải ngược xuôi lo kiếm tiền đóng học phí cho con cái, vừa tất bật với những công việc làm thêm, những nhiệm vụ mới của năm học mà nhà trường đã giao phó. Có giáo viên ban ngày đứng bục giảng mang hết tâm huyết của mình để giảng bài, ban đêm phải đi giữ xe đến tận khuya mới về, vì gánh nặng mưu sinh…
Có thể nói vai trò và hình ảnh người thầy giáo luôn chiếm vị trí quan trọng trong xã hội. Song song với những nhiệm vụ “trồng người” đặt ra, thì đó là nỗi vất vả cùng với nỗi trăn trở muôn thuở về đồng lương. Nhưng bên cạnh những câu chuyện đời, chuyện người thì vẫn luôn có những tấm gương nhà giáo ngày ngày hiện lên đầy cảm động.
Thanh Trâm
Ý kiến bạn đọc