Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui con trẻ, nỗi lo người lớn

21:27, 25/09/2013

Bước vào năm học mới, cùng niềm hân hoan của học sinh-sinh viên trong ngày tựu trường còn là nỗi lo lắng của không ít bậc phụ huynh trước “gánh nặng” tiền học, tiền trường. Giấu nỗi lo của mình vào lòng, đầu mỗi năm học mới, nhiều người cha, người mẹ lại ráng sức làm thêm nhiều việc, chạy vạy khắp nơi để lo cho con ăn học với niềm hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn…

Hằng ngày, chị Hồ Thị Kim Oanh đi khắp nơi mua bán  phế liệu
Hằng ngày, chị Hồ Thị Kim Oanh đi khắp nơi mua bán phế liệu.

Biết tin cô con gái út Trần Thị Út Linh thi đỗ Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh năm nay,  vợ chồng anh Trần Văn Dự, thôn 12, xã Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột) vừa mừng vừa… lo. Anh Dự và vợ đều làm nghề thu gom phế liệu, ngoài ra còn nhận làm thuê mướn khắp nơi mà thu nhập mỗi tháng chỉ tròm trèm 4 triệu đồng, phải tằn tiện lắm mới đủ trang trải sinh hoạt của cả nhà và gửi tiền cho cô con gái lớn đang học năm thứ 3 Đại học Thể dục Thể thao tại TP.Hồ Chí Minh. Anh Dự cười buồn: “Các con tôi đúng là số khổ. Cả ba đứa con gái đều ham học và học giỏi, ngặt nỗi bố mẹ nghèo quá”. Quả thật, hàng xóm láng giềng vẫn nhìn gương học tập của các con anh Dự mà thèm. Cả ba chị em đều ngoan ngoãn, chăm học, tự bảo ban nhau trong học tập, đều là học sinh giỏi hoặc tiên tiến suốt những năm học phổ thông và đều đỗ vào cao đẳng, đại học. Cách đây hai năm, cả cô chị Trần Thị Thảo và cô em kế Trần Thị Thúy đều đỗ đại học, song vì không có tiền nên bố mẹ dành phần “ưu tiên” cho chị Thảo về học tại TP. Hồ Chí Minh, còn Thúy nghỉ học, ở nhà đi làm rồi lấy chồng. Cứ nhắc đến việc học của mấy đứa con, chị Hồ Thị Kim Oanh lại rơm rớm nước mắt: “Thương con đứt ruột mà chẳng biết phải làm sao. Con bé Thảo học ở Sài Gòn mà tháng nào nhiều lắm cũng chỉ được bố mẹ gửi cho 1,5 triệu đồng; số tiền ấy chỉ ăn rau, ăn mắm cũng chẳng đủ nên nó phải đi làm thêm. Suốt 3 năm nay, hè nào nó cũng phải ở lại Sài Gòn đi làm thêm đủ thứ việc, kể cả rửa bát thuê, để kiếm thêm tiền đóng học phí”. Thế nên, khi Út Linh đỗ đại học, vợ chồng anh Dự suy nghĩ nát nước, không muốn cô con gái út cũng phải nghỉ học nửa chừng bởi cái nghèo nhưng làm gì có tiền để nuôi thêm một đứa con đi học tận Sài Gòn? Cuối cùng, anh Dự, chị Oanh đành thuyết phục con chuyển về học tại Đại học Tây Nguyên cho đỡ chi phí. Chị Oanh cho biết: “Cháu Út Linh đã nhập học được vài tuần rồi. Cũng may, nhờ được hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49 nên gia đình cũng bớt lo khoản học phí, mới chỉ tốn gần triệu bạc để mua sắm quần áo, sách vở. Chỉ mong vợ chồng tôi có đủ sức khỏe để có thể lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn”.

Với bà Đỗ Thị Chích ở tổ 4, khối 6, phường Ea Tam (TP.Buôn Ma Thuột), năm nay dù không còn phải lo cho cậu con trai Nguyễn Hồng Giang vừa tốt nghiệp Cao đẳng Quản lý Môi trường rừng nhưng số tiền đóng vào đầu năm học của cô con gái Nguyễn Thị Phương Thùy, sinh viên năm thứ 2 ngành Sư phạm Hóa, Trường Đại học Tây Nguyên vẫn là một khoản tiền lớn. Bà Chích vẫn phải chạy vạy vay mượn hàng xóm đóng tiền học cho con như bao năm qua. Bà bảo: “Hàng xóm quanh đây tốt lắm. Gì chứ đóng tiền học cho con là họ cho mượn ngay, khi nào có tiền thì trả. Người ta còn cho quần áo nữa. Nhờ vậy mà tôi mới lo cho hai đứa con học hành suốt cả chục năm qua”. Chồng bỏ đi cách đây hơn chục năm, bỏ lại bà Chích và hai đứa con còn nhỏ dại. Không ruộng rẫy, vườn tược, bà đã phải bươn chải đi làm thuê khắp nơi với đủ mọi việc để nuôi các con. Bao nhiêu năm ba mẹ con bà phải sống trong căn nhà tồi tàn, chật chội và dột nát đến mức mỗi khi trời mưa thì trong nhà cũng như ngoài sân. Niềm an ủi của bà Chích là các con đều ngoan ngoãn và học hành giỏi giang. Hai con của bà đều là học sinh giỏi và tiên tiến suốt những năm học phổ thông và đều đỗ vào đại học, cao đẳng. Bà Chích tâm sự: “Vì hoàn cảnh khó khăn nên các cháu xác định ngay từ đầu là chỉ thi vào Đại học Tây Nguyên ở gần nhà. Vậy mà, nếu không có sự cưu mang, giúp đỡ của hàng xóm, anh em thì tôi cũng không thể cáng đáng được việc ăn học của hai con”. Ngoài việc cho bà vay mượn lúc khó khăn, chính quyền địa phương và bà con trong tổ dân phố còn tạo điều kiện cho bà Chích về công việc như giúp bà vào làm lao công tạp vụ tại UBND phường Ea Tam; gửi con cho bà giữ trẻ tại nhà; hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết tặng mẹ con bà để thay thế căn nhà dột nát… Giờ đây mong mỏi lớn nhất của bà Chích là con trai sớm có công ăn việc làm và cô con gái cứ ngoan ngoãn, chăm học để sau này có một tương lai tươi sáng hơn.

Còn với chị Thái Hồng Lành ở tổ 9, khối 8, phường Ea Tam (TP.Buôn Ma Thuột), điều đáng mừng là năm học 2013-2014 này chị không phải chạy đôn chạy đáo lo tiền học phí cho cô con gái Đào Thị Kim Tiên, học sinh lớp 8G Trường THCS Trần Hưng Đạo như mọi năm, lý do là vì gia đình chị vừa được… cấp sổ hộ nghèo. Những năm trước, khoản tiền học phí, mua sắm quần áo, sách vở cho con khiến chị Lành lo sốt vó, bởi thu nhập của cả nhà chỉ trông vào hàng rau củ bày bán trước nhà, hôm nào bán đắt lắm cũng chỉ lời được 50.000 đồng/ngày. Chị Lành bộc bạch: “Hàng rau chỉ bán được vào dịp sinh viên đi học thôi, chứ 3 tháng hè thì chẳng có ai mua. Dịp hè, tôi phải đi phụ rửa chén bát thuê ở quán ăn với mức tiền công 500.000 đồng/tháng có nuôi ăn, nhưng thường thì tôi không ăn để được trả thêm 200.000 đồng nữa. Mỗi tháng nhiều nhất cũng chỉ có chưa đầy 2 triệu bạc, mẹ con phải tằn tiện lắm mới đủ sống”. Ai biết hoàn cảnh của mẹ con chị Lành cũng thấy ái ngại. Chồng mất năm 2010 sau một thời gian bị bệnh nan y, chị Lành bị rối loạn tiền đình, sức khỏe rất yếu nhưng phải gắng gượng nuôi con. Con gái đầu của chị Lành là Đào Thị Vân bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh, nói xong là quên, không thể đi học được, chỉ còn cô út Kim Tiên đi học và là niềm hy vọng của cả nhà. Chị Lành khoe: “Tiên thích học và chăm học lắm, suốt 8 năm học thì đều được học sinh giỏi hoặc tiên tiến. Nhà đến cái ăn còn chẳng có làm gì có tiền cho cháu học thêm nên cháu tự học là chính. Mẹ cũng chỉ biết động viên thôi chứ không giúp gì được. Chỉ mong con khỏe mạnh, học giỏi, vất vả mấy tôi cũng ráng chịu đựng”. Năm nay, không những không phải lo đóng học phí, bé Kim Tiên còn được nhà trường cấp sách giáo khoa và vở viết. Một niềm vui nữa là vào dịp Trung thu năm nay, Kim Tiên đã được Hội Khuyến học phường Ea Tam tặng cho một chiếc xe đạp mới, thay cho chiếc xe quá cũ mà em vẫn đi lâu nay.

Còn nhiều nữa những gia đình nghèo mà hiếu học như nhà anh Dự, bà Chích hay chị Lành. Dù có hoàn cảnh éo le và phải đối mặt với cuộc sống nhiều khó khăn nhưng những người cha, người mẹ ấy vẫn nhận hết vất vả về mình, cố gắng lo cho con ăn học nên người.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.