Bảo đảm an ninh học đường: Cần sự chủ động của từng cơ sở giáo dục
Tình trạng học sinh, sinh viên (HSSV) có hành vi vi phạm pháp luật như: trộm cắp tài sản, hiếp dâm trẻ em, gây gỗ đánh nhau dẫn đến chết người; giáo viên hành hung hiệu trưởng, gạ gẫm“đổi tình lấy điểm”… trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) học đường đang đặt ra nhiều thách thức.
Tăng cường công tác phối hợp
Trên địa bàn tỉnh có 1 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp chuyên nghiệp và 936 trường từ bậc mầm non đến THPT, với gần 34.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 500.000 HSSV, trong đó HSSV người dân tộc thiểu số là 152.000 em. Chấp hành nghiêm Thông tư Liên tịch số 34, ngày 20-11-2009 của liên bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Công an về việc hướng dẫn phối hợp thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, Sở GD-ĐT và Công an tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp số 23. Theo đó, hai đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như phối hợp các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều biện pháp góp phần cùng xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn nội bộ tại cơ quan, đơn vị trường học.
Không dừng lại ở việc chủ động phối hợp tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán của các cơ sở giáo dục trong dịp hè nhằm hỗ trợ thêm kiến thức, kỹ năng, biện pháp phòng, chống tội phạm, cung cấp những thông tin liên quan đến tình hình ANTT trên địa bàn, hai ngành còn đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, giáo viên và HSSV, góp phần hạn chế những hành vi phạm tội. Nhiều trường học còn lồng ghép chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy vào nội dung sinh hoạt trong các buổi chào cờ hằng tuần, tiết học giáo dục công dân, tiết sinh hoạt lớp. Đặc biệt, các trường học như: THPT Ea H’leo, THPT Hùng Vương, THPT Y Jut, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pak… còn phối hợp với công an địa phương tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề và trao đổi thông tin về tình hình tội phạm ma túy, mua bán người và các âm mưu thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo cán bộ, giáo viên, HSSV, đồng thời đưa ra những biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm trên. Về phía ngành Công an, hằng năm đều tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại các cơ sở giáo dục với sự tham gia của hàng nghìn cán bộ, giáo viên, HSSV. Đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp ban hành quy định quản lý nhà trọ và quy chế phối hợp quản lý HSSV ngoại trú; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hoạt động dịch vụ: hàng quán, tiệm Internet, karaoke… Nhờ đó ANTT tại các trường cơ bản ổn định.
Ngành Giáo dục cần tăng cường tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho HSSV. |
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Bên cạnh những kết quả đạt được, do mặt trái của cơ chế thị trường cùng với những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế trên lĩnh vực giáo dục đào tạo đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Một bộ phận cán bộ, giáo viên, HSSV ý thức kém, thiếu rèn luyện, tu dưỡng, bị sự tác động từ bên ngoài lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật, tha hóa về đạo đức lối sống. Theo thống kê của ngành Công an, từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra hơn 300 vụ, với hơn 580 HSSV vi phạm pháp luật. Ngoài các hành vi về trộm cắp tài sản, gây rối trật tự công cộng, tệ nạn xã hội…, còn xảy ra nhiều vụ phạm pháp nghiêm trọng như: giết người (15 vụ, 20 đối tượng), hiếp dâm trẻ em (7 vụ, 7 đối tượng), mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy, HSSV ghi lại cảnh quan hệ nam nữ để tống tiền bạn gái, học sinh nữ đánh nhau trước sự cổ vũ của bạn bè, đồng thời ghi lại hình ảnh để phát tán lên mạng Internet. Bên cạnh đó tình trạng giáo viên vi phạm chuẩn mực đạo đức như dâm ô với trẻ em, hành hung hiệu trưởng, gạ gẫm “đổi tình” lấy điểm … gây bức xúc dư luận xã hội.
Theo dự báo của ngành chức năng, thời gian tới tình hình an ninh chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp. Các tổ chức phản động lưu vong và đối tượng chống đối trong nước sẽ tiếp tục lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, phát triển lực lượng trong HSSV và đội ngũ trí thức, gây mất an toàn trong và ngoài trường học... Đáng quan ngại là chúng chuyển hướng tác động, tuyên truyền, bằng các thủ đoạn như: thông qua các đài phát thanh ở nước ngoài, sử dụng điện thoại di động, hộp thư điện tử, trang web của các tổ chức phản động, mạng xã hội; thông qua băng đĩa, truyền miệng để tuyên truyền, ca ngợi các vụ gây rối, đả kích chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; lôi kéo một số HSSV tham gia ký tên, bình luận các bài viết… gây mất ANTT. Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần chủ động tăng cường phối hợp với cơ quan công an, chính quyền, đoàn thể tại địa phương và gia đình trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, giáo viên, HSSV với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp, hiệu quả; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm góp phần giữ gìn ANTT, an toàn xã hội. Mấu chốt vẫn là sự chủ động của từng cơ sở giáo dục trong công tác giữ gìn ANTT nhằm tăng sức “đề kháng” trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc