Multimedia Đọc Báo in

Báo tường - Ngày ấy, bây giờ

08:16, 26/11/2013
Vào dịp lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, học sinh các trường lớp đều đua nhau làm báo tường để tri ân thầy cô và thi đua giữa các lớp học. Không bằng lời nói, chỉ qua nét chữ, nét vẽ, đây là cách nhiều thế hệ học trò bao nhiêu năm nay gửi lời cảm ơn và tình cảm sâu sắc của mình đến "những người lái đò" tận tụy.
Cô trò Trường THCS Tô Hiệu (huyện Krông Ana) đang cùng nhau làm báo tường  chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Cô trò Trường THCS Tô Hiệu (huyện Krông Ana) đang cùng nhau làm báo tường chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Làm báo tường là một hoạt động tập thể, qua đó các em có dịp thể hiện sự đoàn kết, khả năng sáng tạo, tính tập thể được biểu hiện cao. Các em học sinh vốn suốt ngày chỉ biết chuyện đèn sách thì nay bỗng dưng trở thành những "nghệ sĩ". “Ban biên tập” đột xuất của các lớp được hình thành, từ việc tập hợp bài viết, những sáng tác trữ tình, tự sự văn xuôi, cho đến việc trang trí trình bày, kẻ vẽ... Tranh minh họa, biểu tượng thì đủ cả, vui nhộn tươi rói và cũng đầy ý nghĩa nổi bật lên trong những tranh vẽ đó là chủ đề mái trường. Nội dung của tờ báo không thể thiếu được đó là những bài thơ, những cảm xúc suy tư, hay những truyện ngắn...Nhưng có lẽ chiếm số lượng nhiều nhất là những vần thơ viết về mái trường và thầy cô. Những vần thơ thật mộc mạc, ngô nghê, nhưng lại chân tình, giàu cảm xúc. Những nét vẽ của các em đương nhiên sẽ chưa đạt độ trau chuốt, nhưng đầy ý tưởng, ngộ nghĩnh. Chủ đề thì đủ cả: Ngưới lái đò, Nhớ ơn thầy cô, Biết ơn thầy cô, Vượt sóng, Khi tóc thầy bạc, Lời thầy cô, Ánh đèn khuya... Hoặc có thể đặt tiêu đề theo chủ đề trường lớp cũng liên quan đến thầy cô như: Phấn trắng, Bụi phấn, Mực tím, Ngôi nhà chung, Phượng hồng, Nét chữ nét người, Trang giấy trắng... Hay chỉ đơn giản là lấy những tiêu đề liên quan đến tuổi học trò, đến thời học sinh hoặc một cái tên chứa đựng nhiều ý nghĩa mà bạn và các bạn nhất trí dùng ví dụ như: Thời áo trắng, Trăng non, Hoa điệp vàng, Nắng sân trường, Cầu vồng tình bạn, Nhớ lắm...

Ngày trước, một tờ báo tường được cả tập thể lớp, trường dồn sức nâng niu. Ai có bài “trên báo” là tự hào lắm lắm. Cũng mang tính chất bắt buộc nhưng ai cũng háo hức chờ đợi… Còn nay, báo tường vẫn được duy trì như một truyền thống. Tờ báo nho nhỏ do học sinh làm ra, được thầy cô điểm qua, đánh giá, trao giải rồi…về phòng lưu niệm hoặc sẽ “trụ” lại trong kho của trường. Giữa thời buổi các phương tiện truyền thông như báo chí, Internet… ào ào phát triển học sinh dần thờ ơ với báo tường. Tuy thế, mỗi trường vẫn duy trì truyền thống này. Mỗi dịp 20-11 là một dịp cho báo tường sôi nổi trở lại. Mà phần nhiều là sôi nổi theo kiểu…thi đua chào mừng. Khi nhà trường phát động phong trào làm báo tường, thì điều đó có nghĩa là lớp nào cũng phải làm chứ không hẳn là tự nguyện. Bởi lẽ tờ báo sẽ được tính vào điểm thi đua của từng lớp. Trao giải, chấm giải có thể là phụ, cái điểm thi đua và “bảng xếp hạng” các lớp cho cả một tháng học tập mới là điều cần lưu ý. Vì những lý do như thế, học sinh ngày nay làm báo tường với nhiều cung bậc cảm xúc: Một chút háo hức, một chút lo lắng và hơn một chút "ép mình". Vì “buộc” phải có bài để nộp, nên nhiều em đành làm báo kiểu chiếu lệ. Tác phẩm được “ra lò” đã ít nhiều mất đi ý nghĩa để chào mừng ban đầu.

Không ai phủ nhận ý nghĩa giáo dục tốt đẹp của việc làm báo tường, nhưng quả thực, nếu thiếu một chút quan tâm của thầy cô, thiếu một tinh thần cầu tiến, tự giác của học sinh, những trang báo tường rất dễ bị biến thành món quà khuyết ý nghĩa trong những dịp chào mừng do nhà trường phát động…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc