Multimedia Đọc Báo in

Cô giáo gắn bó với học sinh vùng xa

06:13, 29/11/2013
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An có truyền thống hiếu học, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, khi vừa tròn 18 tuổi, cô gái trẻ Lưu Thị Hương đã tình nguyện đến với mảnh đất Tây Nguyên để thực hiện ước mơ của mình.
 
Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak), sau nhiều lần thuyên chuyển công tác, năm 1984 cô Lưu Thị Hương chính thức về công tác tại Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, xã Ea Trang (huyện M'Drak) và gắn bó với mảnh đất nơi này cho đến hôm nay.

Nhớ lại những ngày đầu khi mới đến Ea Trang gây trường, dựng lớp, cô Hương không khỏi e ngại khi nhìn nơi đâu cũng chỉ thấy toàn là đồi núi hoang sơ, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh rất khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, lớp học tạm bợ, đường sá cách trở… Song, trái tim mến trẻ, yêu nghề đã trở thành động lực để cô tiếp tục gắn bó, quyết tâm đem cái chữ đến với buôn làng, với những đứa trẻ thiệt thòi đang hằng ngày khao khát con chữ nơi đây. Khó khăn nhất trong công tác giáo dục tại vùng cao vẫn là duy trì sĩ số học sinh đến lớp. Vì vậy, để "giữ chân" các em, khiến cho các em thực sự cảm nhận được "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", ngay từ những ngày đầu, cô giáo trẻ Lưu Thị Hương đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để tìm hiểu phong tục tập quán, tiếng nói, quan tâm gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, hoàn cảnh gia đình của từng em để có sự động viên, chia sẻ kịp thời cũng như có biện pháp giáo dục phù hợp đối với từng đối tượng học sinh. Bên cạnh đó, trong các giờ dạy của mình, cô luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với mức độ nhận thức của học sinh vùng cao, thường xuyên lồng ghép các trò chơi, các buổi sinh hoạt văn nghệ gắn với nội dung bài học khiến các tiết học trở nên sôi nổi, khơi dậy sự hứng thú đến trường của các em. Thậm chí, cô còn thường xuyên trích một phần nhỏ tiền lương của mình để mua thêm thịt, cá... cải thiện bữa ăn cho các em, động viên các em vượt qua khó khăn tiếp tục đến lớp.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, cô giáo Lưu Thị Hương không thể nhớ hết có biết bao nhiêu thế hệ học trò đã trưởng thành từ mái trường Tiểu học Nơ Trang Lơng cũng như từ sự dạy dỗ của cô. Thậm chí có nhiều trường hợp gia đình cả cha mẹ, con cái đều đã từng là học sinh của cô, nhiều lớp học trò giờ đã trở thành những người thành đạt trong xã hội...nhưng dù ở đâu hay bất cứ cương vị nào, các thế hệ học sinh vẫn luôn nhớ về cô với sự biết ơn sâu sắc. Chính từ sự tận tụy, hết lòng vì học sinh, nhiệt tình trong công việc mà cô luôn được học sinh yêu mến, đồng nghiệp quý trọng, bà con coi như người con ruột thịt của buôn làng.

Hồng Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.