Đội ngũ nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục
11:14, 17/11/2013
Nâng cao chất lượng giáo viên (GV) đồng nghĩa với nâng cao chất lượng giáo dục được ngành Giáo dục Dak Lak thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhiệm vụ này càng trở nên bức thiết hơn khi Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI vừa ban hành Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. PV Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Phan Hồng-Giám đốc Sở GD-ĐT xoay quanh nội dung này.
Giám đốc Sở GG-ĐT Dak Lak Phan Hồng |
*Ông đánh giá thế nào về chất lượng giáo viên (GV) hiện nay?
-Toàn ngành có hơn 34.000 (CB, GV) trong đó GV khoảng 25.000 người. Lực lượng GV các cấp học, ngành học đến nay tương đối đủ, ổn định, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Thực tế quản lý cho thấy, trình độ, năng lực CB, GV quyết định chất lượng giáo dục. Những năm gần đây, ngành Giáo dục dành nhiều sự quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhất là GV trực tiếp đứng lớp, cán bộ quản lý giáo dục. Mỗi năm có hàng nghìn thầy, cô giáo được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn. Nhờ đó, lực lượng GV không ngừng nâng cao chất lượng cả về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp trồng người trong giai đoạn hiện nay.
*Để giải quyết tốt bài toán nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng nguồn nhân lực cho địa phương, ngành Giáo dục Dak Lak đã có những giải pháp nâng chuẩn cho đội ngũ GV như thế nào?
-Nâng cao chất lượng GV không phải một sớm một chiều mà là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, liên tục. Ngoài sự chủ động của ngành, bản thân mỗi CB,GV cần nêu cao sự cầu thị, bền bỉ, kiên trì trong tự học để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. Điều này được khẳng định, những năm qua, ngành đã hưởng ứng tích cực việc “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học, tự sáng tạo”… Những đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này đã làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của mỗi CB,GV và đang trở thành những mạch ngầm có sức lan tỏa mạnh mẽ. Những nỗ lực của thầy, cô giáo trong hành trình gieo chữ được học sinh, các bậc phụ huynh và xã hội ghi nhận, tôn vinh. Nhiều nhà giáo tiêu biểu, tâm huyết, tận tụy, yêu nghề, kiên trì, thầm lặng cống hiến để góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng của sự nghiệp phát triển. Đơn cử năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT cử 10 giáo viên tiểu học dự thi giáo viên dạy giỏi toàn quốc thì cả 10 giáo viên đều đoạt giải; cử 5 giáo viên chuyên nghiệp dự thi giáo viên chuyên nghiệp toàn quốc đều đoạt giải. Đầu năm 2013, ngành cử 6 giáo viên giáo dục quốc phòng tham gia kỳ thi giáo viên giỏi quốc phòng toàn quốc thì cả 6 giáo viên đều đạt kết quả cao.
Mỗi CB,GV phải luôn cầu thị, tự học nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp (ảnh minh họa) |
*Đạo lý của dân tộc Việt Nam, vai trò của người thầy luôn được đề cao, coi trọng. Ý thức trách nhiệm của giáo viên hiện nay có theo kịp vai trò ngày càng cao mà xã hội giao phó?
-Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới đội ngũ. Nghị quyết nêu: “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT”. Trong đó, khẳng định, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. “Vinh danh phải đi liền với trách nhiệm”, nhà giáo cần phải tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, xứng đáng với niềm tin, ưu tiên của Đảng, Nhà nước khi xếp bậc lương, bảo đảm điều kiện tối thiểu để nhà giáo yên tâm gắn bó với sự nghiệp giáo dục.
* Nói như vậy, nhà giáo phải đi đầu trong đổi mới giáo dục thưa ông?
-Đúng vậy! Đội ngũ nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục. Giáo viên phải đi đầu trong đổi mới, phải tư đổi mới. Trước tiên, phải thay đổi nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm giáo dục từ đội ngũ làm công tác quản lý, tiếp đó là GV. Với hệ thống năng lực mới về Chuẩn nhà giáo ngày nay, bản thân cán bộ quản lý, GV phải coi công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng nghiệp vụ là nhiệm vụ cấp bách. Bồi dưỡng tay nghề phải gắn với thực tiễn giáo viên đang giảng dạy và phải tuyển chọn người dạy từ chính những người có tay nghề giỏi. Chúng ta cần quan niệm đầy đủ hơn về “học sư phạm”, đó là một quá trình: Đào tạo trong nhà trường sư phạm, trải nghiệm ở thực tế nghề nghiệp, thường xuyên bồi dưỡng và tự bồi dưỡng… hơn là có bằng cấp hay chứng chỉ sư phạm.
*Xin cảm ơn ông!
Nguyên Hoa (
thực hiện)
Ý kiến bạn đọc