Multimedia Đọc Báo in

Học giáo dục thường xuyên vẫn đến đích

13:55, 08/11/2013

Phần đông phụ huynh, học sinh (HS) hiện nay còn e ngại không muốn cho con em mình vào học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) bởi họ cho rằng đây là "đường cùng”, nhưng ở huyện Krông Năng thì khác…

Muốn “chất” phải quản chặt

Năm học 2013-2014, Trung tâm GDTX huyện Krông Năng tuyển mới 249 HS thuộc 3 khối lớp, nâng tổng số HS toàn trung tâm lên 721 người, đạt 100% chỉ tiêu giao. Đây là con số ấn tượng mà nhiều đơn vị GDTX trong tỉnh mơ ước. Ông Hồ Đức Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Có giai đoạn, đơn vị cũng rơi vào thảm cảnh thiếu HS, nguyên nhân là do phụ huynh, HS còn e ngại khi theo học bổ túc. Điều này đặt ra nhiều thách thức, buộc Ban Giám đốc phải tìm giải pháp hữu ích để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nếu như ở hệ THPT, thường HS tìm đến thầy, cô để học, thì ở trung tâm GDTX giáo viên phải tìm đến người học để dạy”. Việc dạy được bắt đầu từ khâu hình thành cho HS ý thức kỷ luật, thái độ giao tiếp với thầy cô, bạn bè, trong gia đình và ngoài xã hội... ngay khi bước chân vào ngưỡng cửa Trung tâm. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, Trung tâm muốn đạt được chất lượng cao phải có nền nếp, trật tự tốt, vì vậy, Ban Giám đốc luôn chú ý đến việc xây dựng nền nếp, trật tự, kỷ cương không chỉ đối với HS mà cả giáo viên (GV). Đối với GV, phải nghiêm túc thực hiện kỷ luật lao động, bảo đảm ngày giờ công; còn với HS, thì phương châm lấy ngăn ngừa và giáo dục là chính, đầu mỗi năm học, tổ chức tuần sinh hoạt công dân với nhiều nội dung như học nội quy của Trung tâm do Ban Giám đốc trực tiếp triển khai, các hành vi vi phạm pháp luật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, những định hướng của ngành và đơn vị trong năm học. Đồng thời tăng cường vai trò của giám thị trong kiểm tra, giám sát việc HS thực hiện nội quy, nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm. Không chỉ có GV chủ nhiệm, tất cả GV bộ môn cùng tham gia quản lý, giáo dục ý thức đạo đức cho HS trong từng tiết học. Ngoài tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc học tập của HS, Trung tâm luôn giữ mối liên hệ thường xuyên với gia đình qua sổ liên lạc có ghi số điện thoại, địa chỉ của từng HS. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường-gia đình đã khắc phục được những khuyết điểm cố hữu của HS hệ bổ túc văn hóa là đi học trễ, vắng học không lý do, bỏ tiết học để tụ tập rủ nhau đến các quán Internet, bi-da, quán cà phê. Chị H’Năp Niê (buôn Kai, xã Ea Toh) cho biết: “Ai cũng lo môi trường GDTX không tốt, nhưng tôi rất yên tâm khi cho 2 con học ở đây. Ưu điểm dễ thấy nhất của GDTX là chỉ học một buổi với 7 môn bắt buộc, gồm: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa, còn một buổi học phụ đạo, nhờ đó nắm vững kiến thức hơn, sẽ có nhiều thời gian ôn thi đại học hơn. Mới ngày nào, các con vào Trung tâm theo học với nhiều bỡ ngỡ, giờ đây trông các cháu chững chạc hơn”.

 Giáo viên của  Trung tâm  GDTX hướng dẫn  trực tiếp cho HS.
Giáo viên của Trung tâm GDTX hướng dẫn trực tiếp cho HS.

 Không phải là "đường cùng”

“Không ít trung tâm GDTX thấp thỏm lo thiếu đầu vào, vì vậy để thuyết phục học sinh đến với mình, không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng dạy-học”, ông Hồ Đức Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm bộc bạch. Trung tâm đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp quản lý chặt HS, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, nhờ đó chất lượng giáo dục toàn diện HS nâng lên. Năm 2010-2011, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Trung tâm đạt 100%. Những năm học tiếp theo, mặc dù tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ GDTX toàn tỉnh giảm thấp, nhưng Trung tâm vẫn duy trì tỷ lệ gần 87%. Đặc biệt liên tục trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT hệ bổ túc năm 2012 và 2013, thủ khoa của kỳ thi đều là  học sinh của Trung tâm. Nhờ làm tốt công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng, số lượng HS giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia của Trung tâm trong 3 năm học gần đây được nâng lên. Cụ thể, năm học 2010-2011 có 12 em đoạt giải cấp tỉnh, 2 em đoạt giải thi giải Toán trên máy tính Casiô; năm học 2011-2012, ngoài 10 giải HS giỏi cấp tỉnh, 3 giải thi giải Toán trên máy tính Casiô, 1 em đoạt giải Ba cấp Quốc gia thi giải Toán trên máy tính Casiô; năm học 2012-2013, Trung tâm tiếp tục giữ vững thành tích thi HS giỏi với 13 giải cấp tỉnh, 3 giải Casiô cấp tỉnh và 1 giải Ba cấp Quốc gia giải Toán trên máy tính Casiô. Trong số nhiều HS tốt nghiệp THPT đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, học nghề. Kết quả này cho thấy, học tại Trung tâm GDTX không phải là "con đường cùng” mà vẫn đến đích nếu như các em được khuyến khích, động viên kịp thời. Cô Phan Thúy Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A3 chia sẻ: “Trong giờ học, nhiều em học tập thiếu tập trung, có những em say sưa nghe cô giảng bài, nhưng khi hỏi lại thì lúng túng, e ngại trả lời em không hiểu bài. Vì vậy, nhiệm vụ của các thầy, cô giáo là làm cho HS yêu thích học tập cũng như hăng hái tham gia các hoạt động tập thể để các em cảm thấy Trung tâm là ngôi nhà thứ hai của mình và mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Hơn 7 năm đứng trên bục giảng, hiểu những khó khăn các em đang trải qua, nên tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng trong một tiết dạy là yêu cầu các em phải nắm bắt được nhiều kiến thức mà chỉ cần các em nhớ lấy một điều nhỏ thôi. Trong mỗi bài dạy tôi luôn lồng ghép một câu chuyện, một đoạn thơ để các em dễ dàng nhớ các sự kiện lịch sử, những bài học rút ra. Nhờ đó các em không còn thấy sợ giờ học mà háo hức chờ đợi đến tiết dạy”.

Phần lớn HS của Trung tâm là người dân tộc thiểu số, nhà ở xa, phải thuê chỗ trọ nên có những khó khăn nhất định. Vì vậy, ngoài giờ dạy trên lớp, giáo viên dành nhiều thời gian gần gũi tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, những khó khăn các em gặp phải để kịp thời động viên, giúp các em yên tâm học tập. Ở trên lớp, thầy, cô là người truyền đạt kiến thức, khi hết giờ dạy, thầy cô cũng như người anh, người chị, người bạn. “Xã hội vẫn đang còn cái nhìn thiếu thiện cảm đối với HS hệ GDTX, do đó, mỗi thầy cô giáo đang cố bù đắp cho các em bằng tình yêu thương, sự tận tâm, nhiệt tình”, cô Huỳnh Thị Vĩ, giáo viên bộ môn Toán nói.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc