Ngày hội đua tài của giáo viên mầm non
Hội thi - triển lãm đồ dùng, đồ chơi (ĐDĐC) tự tạo ngành học Mầm non cấp tỉnh năm học 2013-2014 vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột đã đem đến cho người xem nhiều sự bất ngờ, thú vị. Gây chú ý nhất là mô hình biển, hải đảo, thôn văn hóa, đồ dùng trong gia đình.. rất bắt mắt, ngộ nghĩnh được làm từ phế liệu.
“Vòng đời mới” cho những vật dụng bỏ đi
Hội thi - triển lãm ĐDĐC tự tạo cấp tỉnh năm nay có 263 trường mầm non, mẫu giáo trong tỉnh tham gia với hơn 2.300 sản phẩm dự thi cấp cơ sở và đã chọn được 108 bộ đồ dùng dạy học, đồ chơi dự thi cấp tỉnh. Bên cạnh những mô hình đề cập những chủ đề quen thuộc như: quê hương, đất nước, Bác Hồ, lễ hội đâm trâu, miền quê em yêu, ngôi nhà làng quê, trường mầm non, đồ dùng trong gia đình, bộ đồ dùng dụng cụ nhà nông…, không hẹn mà gặp, nhiều giáo viên mầm non đã đem đến Hội thi cấp tỉnh mô hình “biển và hải đảo”, “xây dựng nông thôn mới”… Qua đó cho thấy, các cô nuôi dạy trẻ rất quan tâm đến chủ đề thời sự và cập nhật vào ĐDĐC để giáo dục trẻ nhỏ tình yêu quê hương đất nước. Biển đảo quê hương trong con mắt của các giáo viên mầm non thật sống động - nơi đó không chỉ có biển xanh, cát vàng, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo đang từng ngày đổi thay nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Điểm độc đáo của mô hình “biển và hải đảo” ở chỗ chất liệu để xây dựng trạm y tế, trường học là từ những vật dụng bỏ đi: “thuyền thúng” được làm bằng que kem, “quạt gió, công trình điện thắp sáng” bằng vỏ chai nhựa, … Trường Sa hôm nay còn được các cô giáo mầm non “phủ xanh” bởi nhiều loại cây ăn quả, rau xanh được làm bằng chất liệu xốp pitít, giấy màu, vỏ ốc, vỏ trứng. Cô Trần Thị Nguyệt, giáo viên Trường Mầm non Krông Ana (huyện Krông Ana) hào hứng nói: “Biển, đảo trong thế giới tưởng tượng của trẻ thơ trở nên sống động hơn nhờ những hàng rào đá được dựng bằng những quả bằng lăng xếp chồng lên nhau. Đá tượng trưng cho sự vững bền. Điều này khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”. Chỉ bằng lá của cây tùng, xơ mướp, ống hút sữa, nắp hộp màu nước, trái bóng bàn, bitít vụn, mùn cưa, thùng các-tông phế thải, que kem, vải vụn…, các cô giáo Trường Mẫu giáo dân lập Trung Hòa (Phòng GD-ĐT huyện Cư Kuin) đã xây dựng mô hình “Thôn văn hóa” thật ấn tượng. Nơi đó có con đường nhựa thẳng tắp, dọc hai bên đường là những ngôi nhà với nhiều loại kiến trúc và cuối thôn là một khoảng không gian dành cho thanh, thiếu nhi vui chơi thể thao, nô đùa sau mỗi ngày tan học. Thôn văn hóa sẽ không còn tình trạng chăn thả gia súc dưới gầm nhà sàn làm mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường khi được các cô quy hoạch khu chăn nuôi ở cách xa nơi ở. Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, giáo viên Trường Mẫu giáo dân lập Trung Hòa nói: “Càng làm ĐDĐC cho trẻ càng hào hứng và nảy sinh ra nhiều ý tưởng. Khi xây dựng mô hình thôn văn hóa, mọi người nghĩ chỉ cần làm cổng chào thôn và một số ngôi nhà với kiến trúc đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên, nhưng sau đó lại bổ sung thêm một số công trình phúc lợi khác. Chưa hết, nếu vậy các cháu sẽ khó hình dung thôn văn hóa, nên các cô quyết định làm thêm cây xanh, hoa để thôn ngày càng đẹp hơn”.
Hào hứng tham quan mô hình “Thôn văn hóa” của đơn vị Phòng GD-ĐT huyện Cư Kuin. |
“Gỡ khó” đồ dùng, đồ chơi
Bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) khẳng định: “ Hội thi - triển lãm ĐDĐC tự tạo bậc học Mầm non cấp tỉnh năm học 2013-2014 thực sự là ngày Hội đua tài, thể hiện ý thức, tinh thần trách nhiệm cao của từng đơn vị tham gia, sự tâm huyết, khả năng sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của cán bộ, giáo viên”. Thành công của Hội thi không dừng lại ở số lượng đơn vị tham gia, tác phẩm dự thi, mà ở sự sáng tạo của từng tác phẩm. Sáng tạo ở chỗ các giáo viên mầm non đã tận dụng những vật dụng bỏ đi như: hộp sữa, hộp bánh, chai lọ, miếng xốp, vải vụn... để làm ra những mô hình, ĐDĐC đẹp, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi mầm non, có giá trị sử dụng lâu dài, đáp ứng nhu cầu giảng dạy-học tập thực tế bằng giáo cụ trực quan. Đặc biệt nhiều bộ ĐDĐC có tính ứng dụng cao, trẻ dễ dàng thao tác, kích thích sự sáng tạo, tò mò của trẻ. Tiêu biểu như mô hình: các chủ đề (Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột), những trò chơi kỳ diệu (Phòng GD-ĐT thị xã Buôn Hồ), mô hình biển và hải đảo (Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana), đồ dùng trong gia đình (Phòng GD-ĐT huyện M’Drak)… Sự đa dạng về chủng loại, phong phú về chất liệu của các sản phẩm trưng bày, giới thiệu tại Hội thi chứng tỏ niềm đam mê tìm tòi, nghiên cứu khám phá, sáng tạo của đội ngũ cô nuôi dạy trẻ rất lớn. Đồng thời cũng khẳng định rõ nét mức độ đầu tư, sự quan tâm và tinh thần tham gia ngày Hội “đầy khí thế” của các đơn vị, trường học.
Trong những năm qua, nhất từ khi thực hiện chương trình Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, Sở GD-ĐT đã dành khoảng 40 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia trang bị 181 bộ đồ dùng trong lớp và 139 bộ đồ chơi ngoài trời và 187 dàn máy vi tính cấp cho các trường mẫu giáo trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các phòng GD-ĐT trong điều kiện nguồn kinh phí chi thường xuyên đầu tư mua sắm ĐDĐC cho các trường, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy học-vui chơi của trẻ. Vì vậy mới có câu chuyện nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận đạt PCGDMN nhưng vẫn “nợ” về tiêu chuẩn môi trường cơ sở vật chất do thiếu ĐDĐC trong lớp, ngoài trời. Trong điều kiện khó khăn về nguồn kinh phí, Hội thi - triển lãm ĐDĐC tự tạo được Sở GD-ĐT tổ chức 2 năm một lần đã “kích thích” đội ngũ giáo viên khai thác, tìm tòi, sáng tạo từ việc tìm ý tưởng, tìm chất liệu và kỹ năng thể hiện để làm ra những đồ dùng, đồ chơi rất đẹp, hấp dẫn gần gũi thân quen có giá trị, góp phần làm phong phú, đa dạng tủ đồ dùng đồ chơi cho trẻ ở trường mầm non, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc