Những người thầy đam mê sáng tạo
Tâm huyết với nghề, đam mê sáng tạo, mong muốn đào tạo được đội ngũ lao động lành nghề và luôn được nhà trường hỗ trợ về vật chất, tinh thần là động lực thúc đẩy các thầy giáo tự nghiên cứu, tìm tòi, sáng chế ra những thiết bị dạy nghề hữu ích.
Thành công từ niềm đam mê
Thầy Chu Văn Đức - tác giả mô hình "Bộ chuyển đổi nguồn điện tự đông" đoạt giải Nhất tại Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ IV năm 2013. |
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, năm 2006, thầy Chu Văn Đức được tuyển dụng vào Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak. Với trách nhiệm là Trưởng Bộ môn Điện công nghiệp, thầy Đức luôn trăn trở phải làm sao để học sinh, sinh viên tiếp cận được phương thức giáo dục tiến bộ, hiệu quả qua những bài giảng sinh động, dễ hiểu, học đi đôi với hành chứ không chỉ là lý thuyết suông nhằm rèn luyện kỹ năng cho học sinh có tay nghề thực sự để ứng dụng vào thực tiễn khi ra trường. Từ đó, cùng với sự khuyến khích, hỗ trợ về kinh phí và tinh thần từ phía nhà trường đã tạo động lực, thúc đẩy thầy Đức nghiên cứu, sáng tạo ra những thiết bị dạy nghề tự làm, 8 năm qua, thầy đã chế tạo thành công 10 thiết bị, mô hình dạy nghề, phục vụ đắc lực cho công tác giảng dạy tại trường. Hưởng ứng Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp trường năm 2013, thầy Đức cùng đồng nghiệp là thầy Hồ Đức Nhân đã nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị “Bộ chuyển đổi nguồn điện tự động” và đã đoạt giải Nhì (không có giải Nhất). Vinh dự hơn, mô hình này đã vượt qua hàng trăm thiết bị dạy nghề tự làm khác của các trường nghề trên toàn quốc để giành giải Nhất tại Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ IV, diễn ra hồi tháng 10-2013 tại TP. Nha Trang. Thầy Đức chia sẻ: đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của bản thân mà quan trọng hơn chính là góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, của tỉnh.
Thiết bị “Bộ chuyển đổi nguồn điện tự động” có thiết kế gọn, đơn giản, giúp học sinh dễ dàng thực hiện các thao tác đấu nối, vận hành, sửa chữa, các chi tiết thiết bị có giá thành hợp lý, dễ tìm mua trên thị trường, đặc biệt mô hình lại vừa mang tính thực tế sản xuất, vừa mang tính học tập, giúp học sinh dễ dàng nhận biết các thiết bị điện sử dụng trong mạch, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của mạch cũng như việc lắp đặt mạch một cách thành thạo. Trong thực tế các ngành sản xuất công nghiệp, y tế, “Bộ chuyển đổi nguồn điện tự động” cho phép chuyển đổi nguồn khi nguồn điện chính bị mất hoặc chất lượng nguồn điện chính không bảo đảm.
“Cha đẻ” của mô hình “Bộ xương bò”
Từng là giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên, công tác tại Chi cục Thú y tỉnh, đến năm 2000, thầy Đỗ Hồng Thái về giảng dạy tại Trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên và đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Nông lâm – Thú y. Hơn 30 năm gắn bó với công tác giảng dạy và kiểm dịch động vật, thầy Thái hiểu rõ những khó khăn, vất vả của học sinh, sinh viên khi phải thuê trâu, bò hoặc đi đến tận các lò mổ trên địa bàn vào ban đêm để thực tập. Vì vậy, từ năm 2003, thầy đã nảy sinh ý tưởng làm một mô hình bộ xương bò hoàn chỉnh nhằm hỗ trợ cho việc giảng dạy lý thuyết đi đôi với thực hành nghề theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Tuy ý tưởng đã có nhưng mãi đến năm 2009, thầy Thái mới có thể thực hiện được, bởi mô hình này chỉ phù hợp với những con bò có đủ 10 năm tuổi trở lên. Chính vì vậy, mỗi lần cùng cán bộ Chi cục Thú y đi làm công tác kiểm dịch, thầy Thái luôn để ý, quan sát nhằm tìm mua bộ xương bò có đủ độ tuổi theo quy định. Hơn 6 năm kiên trì tìm kiếm, năm 2009, thầy Thái đã mua được bộ xương của con bò cái 15 năm tuổi, nặng 252 kg. Sau 17 ngày ngâm tẩm hóa chất, xử lý, làm sạch bộ xương, thầy bắt tay ngay vào việc lắp ráp hoàn chỉnh mô hình. Điều đáng nói, từ khi có mô hình “Bộ xương bò”, việc giảng dạy các môn học, mô đun như: giải phẫu sinh lý vật nuôi và động vật học, kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh trâu bò, chẩn đoán học thú y của khoa trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu, tạo được hứng thú học tập và sự chủ động về thời gian thực hành nghề cho cả giáo viên lẫn học sinh. Không những vậy, mô hình “Bộ xương bò” của thầy Thái còn đoạt giải Nhì tại Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc lần thứ IV, tại TP. Nha Trang vào tháng 10 vừa qua.
Thầy Đỗ Hồng Thái bên mô hình "Bộ xương bò". |
Thầy Ra Lan Von Ga, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên cho biết, phong trào thi đua viết sáng kiến kinh nghiệm, chế tạo các thiết bị dạy nghề tự làm do nhà trường phát động đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn thể cán bộ, giáo viên và là “sân chơi” để các thầy, cô giáo thể hiện kiến thức, niềm đam mê, tâm huyết của mình đối với công tác giảng dạy. Từ đó, nhiều thiết bị dạy nghề đoạt giải cao tại các hội thi, trong đó có mô hình “Bộ xương bò” của thầy Đỗ Hồng Thái, đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng dạy nghề, đồng thời giúp học sinh, sinh viên nắm bắt bài sâu và nhanh, khi tốt nghiệp ra trường có thể ứng dụng vào thực tế.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc