Sự cần thiết của tiếng ồn trong giờ học
Ảnh minh họa |
Ngôi trường tiểu học ở Nhật Bản tồn tại từ hơn 70 năm trước được miêu tả trong cuốn “Tottochan – Cô bé bên cửa sổ” (Nhã Nam, Nxb Văn học, 2011) nổi tiếng với những tư tưởng giáo dục tiên tiến. “Học sinh trong ngôi trường này được tự do là vậy, hằng ngày muốn học giờ nào đều là do học sinh tự quyết định. Ngôi trường này không bao giờ lấy nguyên tắc “không gây ồn ào cho người khác” để ngăn cấm học sinh làm những việc mà mình muốn làm, chính vì thế trong thư viện của trường, có người đọc sách, có người hát ca, có người đọc diễn cảm, có người vẽ tranh. Trong mắt người bình thường, ở đây vô cùng ồn ào, nhưng thực tế con trẻ lại không làm ảnh hưởng đến nhau, người nào việc ấy, tự tìm niềm vui cho mình. Nhà trường làm như vậy, mục đích là để bồi dưỡng khả năng chống lại sự “quấy rối” trong học tập, mục đích là để cho học sinh học được cách cho dù xung quanh có ồn ào như thế nào, đều có thể lập tức tập trung tinh thần” (Sđd, tr 167).
Ngôi trường này đã làm cho mỗi đứa trẻ sau khi tan học không muốn về nhà, sáng hôm sau háo hức muốn tới trường thật sớm. Trong môi trường học tập tự nhiên, không nhất thiết tạo ra tiếng ồn nhưng sự yên tĩnh quá cũng không cần thiết. Thậm chí, xét về chức năng, tiếng ồn là cần thiết cho sự tồn tại của lớp học theo nghĩa trong chừng mực nhất định, phải chấp nhận tiếng ồn trong giờ học. Hơn nữa, điều này không chỉ có ý nghĩa trong giáo dục nhà trường mà còn có ý nghĩa trong sự phát triển nhân cách của trẻ sau này. Không thể có một môi trường lý tưởng cho trẻ phát triển, vì vậy, bồi dưỡng năng lực thích nghi với môi trường cho trẻ là điều mà các nhà giáo dục học luôn khuyến khích.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc