Tỏa sáng những điển hình giáo viên thư viện
Vượt qua hàng trăm thí sinh đến từ các trường phổ thông trong tỉnh, 16 giáo viên thư viện xuất sắc đã được vinh danh tại Lễ tổng kết Hội thi cán bộ, giáo viên thư viện giỏi cấp tỉnh năm học 2013-2014 vừa được tổ chức vào đầu tháng 11. Như những chú ong chăm chỉ, hằng ngày thầm lặng khơi dậy niềm đam mê sách, xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường…
Góp một cuốn sách nhỏ, đọc nghìn cuốn sách hay!
Gây ấn tượng với Ban Giám khảo và khán giả tham dự Hội thi ngay từ phần thi lý thuyết, tiếp đến là phần thi thực hành giới thiệu sách, trả lời câu hỏi ứng xử nghề nghiệp, cô thủ thư Nguyễn Thị Hồng Thuận đến từ Trường THCS Phan Đăng Lưu (xã Cư Bông, Ea Kar) tiếp tục “ghi điểm” ở phần thi sáng kiến kinh nghiệm với đề tài “Một số hình thức bổ sung tài liệu phục vụ nhu cầu đọc”. Không kể khó, nhưng qua cách cô vận động tặng sách, tài liệu góp phần làm phong phú, đa dạng nguồn tài liệu cho thư viện phần nào hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của một ngôi trường ở cách xa trung tâm huyện hơn 40km. Làm thế nào để bổ sung nguồn tài liệu đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy-học, tìm kiếm tri thức của giáo viên, học sinh trong điều kiện nguồn kinh phí chi thường xuyên của nhà trường hạn hẹp? – cô Thuận trăn trở. Suy đi tính lại, cô quyết định tham mưu cho Ban Giám hiệu vận động các tổ chức, đoàn thể chính trị ở địa phương ủng hộ sách và vận động cán bộ, giáo viên, học sinh tích cực tham gia phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc nghìn cuốn sách hay” để bổ sung tài liệu vào tủ sách dùng chung nhằm tăng cường vốn tài liệu, sách tham khảo, truyện thiếu nhi cho tủ sách. Cô Thuận chia sẻ, vào cuối năm học, nhân viên thư viện phối hợp với Tổng phụ trách Đội phát động phong trào tặng lại sách giáo khoa cũ đến toàn thể học sinh, với tinh thần "Góp một cuốn sách nhỏ, giúp bạn cùng tiến”. Năm đầu tiên, số sách giáo khoa cũ thu về không nhiều, nhưng đến năm thứ 2, thứ 3, hầu hết học sinh trong trường đều nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều em sau khi ủng hộ sách tâm sự: Em muốn sau khi ra trường có một chút gì đó làm kỷ niệm cho thư viện. Hy vọng những cuốn sách cũ sẽ góp phần giúp nhiều bạn khó khăn tiếp bước”. Để khuyến khích các em tích cực ủng hộ sách cũ, cô Thuận đã có những cách khen thưởng rất riêng. Những em góp từ 3 cuốn sách trở lên sẽ được tuyên dương trước buổi chào cờ vào sáng thứ hai hằng tuần, góp từ 5 cuốn trở lên ngoài việc tuyên dương còn được phát thẻ thư viện miễn phí. Riêng đối với các em học sinh khối 9 sắp ra trường tích cực trong phong trào quyên góp sách cho thư viện sẽ được tuyên dương và ghi tên trong sổ truyền thống của nhà trường. Với cách làm trên, thư viện nhà trường đã bổ sung được số vốn tài liệu đa dạng, phong phú, nhờ đó mà số lượng giáo viên và học sinh đến đọc tại chỗ và mượn sách về nhà tăng lên đáng kể.
Mô hình thư viện lưu động, thư viện xanh của Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ luôn thu hút học sinh. |
Thủ thư không hẳn là người trông coi sách
Theo cái nhìn thông thường ở Việt Nam, thư viện là nơi cho mượn sách đọc tại chỗ, hoặc mang về nhà đọc. Vì vậy, không ít người nghĩ nghề thư viện là trông coi sách. Thực tế không đúng như vậy, thủ thư không hẳn là người trông coi sách mà là người hướng dẫn, tiếp sức cho học sinh đến với những quyển sách hay, đến với tri thức của nhân loại. Bằng sự dung dị, tự tin, cảm nhận tác phẩm sâu sắc, cô thủ thư Châu Hoàng Quyên, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP. Buôn Ma Thuột (giải Nhất) khiến Ban giám khảo, khán giả có mặt tại Hội thi như lắng lại khi nghe giới thiệu quyển sách “Cửa hàng hạt giống” của NXB Lao động, xuất bản năm 2011. “Cuốn sách gồm 101 mẫu chuyện khác nhau, được viết ngắn gọn, dễ hiểu, nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, thể hiện khá toàn diện trí tuệ, kinh nghiệm sống quý giá của mỗi dân tộc từ cổ chí kim, từ đông sang tây. Những câu chuyện trong cuốn sách gợi mở nhiều điều suy ngẫm, giúp ta rút ra những bài học để thực hiện hoài bão cho tương lai của mình. Câu chuyện bắt đầu từ một hạt giống...rằng: Thượng đế vốn đã gieo một hạt giống trong lòng mỗi người, song hạt giống ấy sinh trưởng, phát triển, đơm hoa kết quả như thế nào thì đều phải dựa vào nỗ lực của mỗi cá nhân. Cho nên chúng ta nói, trời sẽ giúp người biết tự giúp mình. "Tự giúp mình" chính là nỗ lực không từ bỏ. Chỉ có những người nhiệt tình với cuộc sống, sự nghiệp, với người thân yêu mới có thể chiến thắng được gian khổ, có được sự giúp đỡ, tín nhiệm của mọi người. Cô Uyên tiếp: “…Cuốn sách có tính chất giáo dục sâu sắc. Bất kỳ ai đọc nó cũng sẽ cảm nhận được cuộc sống, học cách suy nghĩ tích cực, tự tin vào bản thân, dám mơ ước, dám thực hiện, có ý chí cao xa và hiểu được những điều dung dị quanh ta như tâm hồn trong sáng của trẻ thơ, hạnh phúc không ở đâu xa. Chúng ta thấy rằng, cuộc sống hiện đại có không ít những phức tạp và mặt trái như giới trẻ rất dễ sa vào những trò chơi vô bổ, những tệ nạn, cám dỗ hay lối sống hưởng thụ, tiêu cực…., khi đọc cuốn “Cửa hàng hạt giống” sẽ hướng cho ta cách nghĩ tích cực hơn, trách nhiệm hơn với cuộc sống, với chính cuộc đời của mình. Đúng như tựa đề của cuốn sách “Cửa hàng hạt giống”, cuốn sách gieo vào lòng ta những hạt giống của tình yêu, niềm vui, trí tuệ và sự kiên cường…, giúp bồi dưỡng, nâng cao tư tưởng, tình cảm và hành động tốt đẹp không chỉ cho các em HS mà cho tất cả mỗi chúng ta. Cửa hàng hạt giống sẽ là cuốn sách gối đầu giường cho những ai có hoài bão cao đẹp để vươn lên trong cuộc sống.
Hội thi cán bộ, giáo viên thư viện giỏi năm học 2013-2014 diễn ra trong hơn 2 tháng (từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 11), thu hút gần 80% cán bộ, thư viện các trường trong tỉnh tham gia. Thành công lớn nhất của Hội thi là làm chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của xã hội, ngành Giáo dục về vai trò của thư viện, về cán bộ, giáo viên thư viện, với tư cách là người khơi nguồn kho tri thức của nhân loại trong các nhà trường, ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc