Multimedia Đọc Báo in

Tư vấn học đường: Vẫn còn nhiều khoảng trống

08:38, 02/12/2013

Những áp lực, căng thẳng trong học tập, những tác động xấu của xã hội, đặc biệt là thay đổi tâm sinh lý của lứa tuổi mới lớn sẽ được giải tỏa kịp thời khi các em học sinh được tư vấn về tâm lý…

Hiệu quả bước đầu

Năm 2012, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở GD-ĐT triển khai thí điểm mô hình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong trường học tại 10 trường THCS của 6 huyện trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các trường tham gia mô hình đã thành lập Ban tham vấn học đường, xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động, thành lập nhóm học sinh nòng cốt,  phòng tham vấn và lập thùng thư Điều em muốn nói để các em dễ dàng nói lên nguyện vọng, những điều khó chia sẻ trực tiếp với thầy, cô giáo. Thầy Phạm Hồng Phiệt, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban tham vấn học đường Trường THCS Đoàn Thị Điểm (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: “Mặc dù khó khăn về cơ sở vật chất nhưng nhà trường vẫn bố trí phòng tư vấn học đường để các em có nơi trao đổi, tâm tình và giải tỏa những thắc mắc trong cuộc sống, trong học tập, trong quan hệ bạn bè hoặc những vấn đề về tâm lý, sức khỏe giới tính”. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhà trường còn lồng ghép tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính qua bộ môn Sinh học, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh. Đặc biệt, đầu năm học 2013-2014, trường còn phối hợp với công ty Nhân Việt dạy kỹ năng sống cho khoảng 400 học sinh.

Qua các hoạt động trên, các em hiểu được giá trị của bản thân, hình thành nhân cách sống tốt đẹp, có trách nhiệm đối với gia đình, bản thân. Đơn cử thay vì thuê lao công quét dọn vệ sinh sân trường, lớp học, 2 năm học gần đây nhà trường để các em tự làm. Tự mình lao động, ý thức bảo vệ cảnh quan, giữ gìn vệ sinh chung của học sinh được nâng lên rõ rệt. Tình trạng vứt rác, vẽ bậy lên tường, bàn ghế không còn nữa. Còn cô Nguyễn Thị Ngát, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban chủ nhiệm mô hình BVCS&GD trẻ em Trường THCS Phạm Hồng Thái chia sẻ: Ban tham vấn học đường thường xuyên tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp về tự chăm sóc sức khỏe, nhất là phòng tránh những bệnh xảy ra theo mùa như sốt xuất huyết, bệnh tay – chân - miệng. Đặc biệt, vào các buổi chào cờ hằng tuần và các tiết Sinh học nhà trường đều lồng ghép tuyên truyền về tâm lý lứa tuổi, tâm lý giao tiếp, tâm lý giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên… qua đó định hướng cho học sinh những khó khăn, biết tự bảo vệ, xử lý tốt những vấn đề nảy sinh trong học tập, cuộc sống.

Cô Phạm Thị Giang Thanh (Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Ea H’leo) khuyến khích các em giãi bày những băn khoăn, thắc mắc.
Cô Phạm Thị Giang Thanh (Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Ea H’leo) khuyến khích các em giãi bày những băn khoăn, thắc mắc.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Mặc dù các trường tham gia mô hình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ đều thành lập phòng tư vấn và thùng thư Điều em muốn nói nhưng rất ít học sinh tìm đến nói “chuyện riêng tư”. Hầu hết các trường hợp được tư vấn do giáo viên chủ nhiệm nắm bắt, báo cáo với Ban Giám hiệu, khi ấy Ban tham vấn học đường mới vào cuộc. Một tham vấn viên của Trường THCS Đoàn Thị Điểm kể: “Mới đây có 2 học sinh lớp 6 viết thư cho nhau, bạn nam viết cho bạn nữ cùng lớp “Mình yêu nhau nhé!”. Bạn nữ trả lời: “Chờ mình lớn đã”. Bạn nam viết tiếp: “Chờ lớn thì lâu lắm!”. Biết chuyện, mình chủ động gặp riêng từng em hỏi han, phân tích mặt lợi, hại, động viên hai em chuyên tâm học tập. Hay cách đây không lâu, N. học sinh lớp 8 ngộ nhận một bạn trai trong lớp thích mình, sau đó phát hiện bạn trai ấy để ý một bạn gái khác, N. thất vọng và có thái độ bất cần, học tập chểnh mảng. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, cô giáo chủ nhiệm đã chủ động trò chuyện, khuyên nhủ, giải thích cho N. biết đó chỉ là tình cảm nhất thời, bồng bột của tuổi mới lớn. Ban đầu N. không nghe, nhưng tối hôm sau đã chủ động điện thoại cho cô giáo chủ nhiệm tâm sự chuyện riêng tư và hứa không để chuyện tình cảm chi phối việc học nữa”.

Ngoài nguyên nhân do tâm lý của tuổi mới lớn ngại chia sẻ chuyện riêng tư, thì các phòng tư vấn chưa thực sự trở thành nơi đáng tin cậy để các em giãi bày những chuyện rắc rối. Điều này cũng dễ hiểu khi hầu hết tham vấn viên của các trường đều là giáo viên kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản. Một số giáo viên có kiến thức nhưng lại thiếu kỹ năng tư vấn do đó khó có thể giúp học sinh giải quyết những khó khăn đang gặp phải. Mặt khác, một số trường chưa thực sự quan tâm đến hoạt động tư vấn học đường, do đó chỉ mới dừng lại ở việc mời các chuyên gia đến báo cáo các chuyên đề về các biện pháp giáo dục con cho phụ huynh và hướng dẫn các em tự quan tâm, chăm sóc bản thân. Theo bác sĩ Lê Mạnh Hùng, chuyên gia tâm lý (thuộc Trung tâm tư vấn qua tổng đài 1088 tại Dak Lak), lứa tuổi vị thành niên có những thay đổi đột ngột, nhanh chóng về tâm sinh lý, mặc dù dáng vẻ bên ngoài giống như người lớn nhưng về mặt tâm lý xã hội trẻ vẫn còn rất trẻ con, chính vì vậy tự bên trong trẻ đã  xảy ra sự mất cân bằng rất lớn mà nếu chúng ta  không hiểu-không thông cảm - không giúp đỡ kịp thời sẽ rất dễ xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Tư vấn tâm lý học đường là hoạt động rất quan trọng trong các trường học hiện nay. Để học sinh chủ động đến với phòng tư vấn học đường, chia sẻ hộp thư Điều em muốn nói, đội ngũ tham vấn viên phải sắm tròn 2 vai, vừa là thầy cô, vừa phải là bạn, có như vậy các em mới tin tưởng, đồng cảm để chia sẻ những điều khúc mắc. Ngoài đội ngũ tham vấn viên thì giáo viên chủ nhiệm là lực lượng nòng cốt tư vấn, hỗ trợ các em rất nhiều...

Gia Nguyên 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.