Multimedia Đọc Báo in

Giúp trẻ giảm áp lực học hành

10:44, 12/01/2014
Trong sự bộn bề, hối hả của cuộc sống, chúng ta luôn gặp phải không ít những áp lực căng thẳng. Với việc học hành của trẻ cũng vậy, các em không những chịu áp lực học tập từ phía gia đình mà còn cũng phải chịu nhiều áp lực từ phía thầy cô, nhà trường và thậm chí là cả xã hội.

Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái. Tuy nhiên, trong quá trình học tập của trẻ, việc chăm lo và quan tâm không đúng lúc, đúng cách sẽ vô tình tạo ra sức ép và áp lực nặng nề cho trẻ. Một số cha mẹ khi nghe giáo viên chủ nhiệm phản ánh về học lực của con mình ngày càng giảm sút đã vội vàng tìm cách vực dậy bằng việc cho con đi học thêm, học tăng cường chỗ này chỗ nọ; hoặc mỗi khi con bị điểm kém hay có biểu hiện lười học, nhiều cha mẹ chưa tìm hiểu nguyên nhân mà đã tỏ ra khó chịu, luôn mắng nhiếc và quát tháo, thậm chí đánh đập trẻ. Tất cả những việc làm trên vô hình chung khiến cho trẻ bị áp lực, mệt mỏi, khép mình vì sợ học. Hệ quả là nhiều em ngày càng học kém đi vì áp lực và học thêm quá nhiều, có khi trẻ lại hình thành cách học kiểu đối phó, qua loa… Không những thế, ở một số gia đình, cha mẹ nhiều khi vì mải mê công việc mà thiếu đi sự quan tâm đến việc học hành của con cái mà lại “giao khoán” cho thầy cô và nhà trường nên dễ khiến trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, từ đó trẻ có biểu hiện sao nhãng, lơ là việc học và kết quả học tập sẽ bị giảm sút.

Sự kỳ vọng ở con cái là điều thường thấy và dễ hiểu ở nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên nếu kỳ vọng vượt quá khả năng thường dễ tạo ra áp lực cho trẻ. Nhiều bậc cha mẹ vì chạy theo “bệnh thành tích”, muốn phô trương việc học hành của con,… mà bắt con học liên tục không nghỉ ngơi. Như thế, rõ ràng cha mẹ chưa thực sự hiểu tâm tư, nguyện vọng của con cái, chưa nhận thức và nắm được năng lực và nhu cầu thực sự của các em để có thể định hướng việc học tập như thế nào là đúng và đủ. Không những thế, ở trường, nhiều thầy cô còn đưa ra yêu cầu cao với học trò như: ra bài tập quá nhiều hoặc quá khó khiến cho trẻ lo lắng, dành thời gian nhiều để làm bài tập, dần dần trẻ sẽ bị thụ động, nhồi nhét kiến thức. Bởi vậy, khi đến lớp, trẻ tỏ ra rụt rè, mất tự tin vì sợ giáo viên gọi lên trả bài.

Theo các nhà tâm lý học, sự chì chiết, khắt khe quá mức của cha mẹ sẽ làm trẻ thụ động, giảm sự sáng tạo, năng động ở trẻ. Vì thế, cha mẹ hãy dạy con học bằng thái độ tích cực, không nên quá ép buộc con phải đạt chỉ tiêu, định mức cha mẹ đặt ra, thay vào đó, cha mẹ nên khích lệ con bằng những lời động viên mang tính tích cực, những lời khen hợp lý như: “con hãy cố gắng lên nhé!”, “con của mẹ chăm chỉ quá!”,“con chưa hiểu chỗ nào thì nên hỏi để thầy cô chỉ bảo cho”, “ai cũng yêu con vì con học giỏi này”, “con của mẹ giỏi quá, con thích mẹ thưởng gì nào”,… Bên cạnh đó, cha mẹ cần dạy con kỹ năng tự học và hình thành tính tự giác trong học tập, giúp trẻ vạch ra thời gian biểu học tập hợp lý, đồng thời, xây dựng không gian học tập riêng cho trẻ để trẻ cảm thấy thoải mái trong quá trình tự học ở nhà.

Tâm lý và bản chất của trẻ nhỏ là rất hồn nhiên và vô tư, yêu thích học tập nhưng cũng rất thích được tham gia vui chơi cùng với gia đình và bạn bè. Vì thế, cha mẹ cần theo dõi và nắm bắt năng lực, tâm lý của con để có biện pháp tích cực trong việc học ở trẻ; không nên đăng ký lịch học thêm quá dày khiến các em không có thời gian vui chơi, giải trí, rèn luyện thể dục thể thao. Ngoài ra, cần cho trẻ tham gia các câu lạc bộ, lớp học kỹ năng sống để có sân chơi rèn luyện tư duy và cảm xúc tốt hơn.

Cha mẹ phải quan tâm và động viên, chia sẻ với trẻ kịp thời, dành thời gian trò chuyện và chia sẻ với trẻ về các mối quan hệ trong cuộc sống cũng như việc học hành của trẻ; hãy giúp trẻ giải quyết những bài tập mà trẻ đang thắc mắc, khó hiểu. Với những khi trẻ đạt kết quả cao trong học tập, cha mẹ hãy biểu lộ sự hài lòng, tán thưởng và khen ngợi để trẻ có thêm động lực; khi trẻ làm sai, hãy nhẹ nhàng chỉ ra điểm sai và hướng dẫn trẻ làm đúng.

Thiết nghĩ, việc giúp trẻ giảm bớt những áp lực trong học tập là điều rất cần thiết. Một khi cha mẹ vừa đóng vai trò là những người bạn vừa là người thầy với trẻ thì trẻ sẽ dễ gần gũi, luôn có được niềm vui và động lực để học tập và rèn luyện. Việc tạo điều kiện tốt cho trẻ trong học tập ngay từ khi còn nhỏ sẽ giúp trẻ hình thành kỹ năng tự giác học tập và hoàn thiện nhân cách sau này.

Văn Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.