Multimedia Đọc Báo in

Người thầy nặng nợ với mái trường vùng sâu

09:50, 23/02/2014
"Tận tụy, nhiệt huyết, giàu lòng yêu nghề và cũng thật gần gũi” - đó là nhận xét của đông đảo đồng nghiệp đối với thầy Vũ Đình Tùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) Cư Pui 2, xã Cư Pui (huyện Krông Bông).
 
Không ít người thắc mắc khi biết thầy Tùng tình nguyện về công tác tại Trường TH Cư Pui 2 – một ngôi trường vùng sâu còn nhiều khó khăn. Trường có 7 điểm trường nằm rải rác trên địa bàn 7 thôn, buôn; trong đó có những điểm cách xa trung tâm xã đến hơn 20 km, lại chưa có điện lưới quốc gia, đường sá đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Trường có hơn 1.500 học sinh, đa số là con em các dân tộc thiểu số phía Bắc di cư tự do, công tác dạy và học gặp rất nhiều thách thức. Thế nhưng, trong những năm qua, bằng tất cả lòng yêu nghề, sự say mê trong công việc, dù ở bất cứ cương vị nào, thầy Tùng luôn tận tụy, nỗ lực hết sức giúp học sinh nơi đây trong hành trình đi tìm con chữ. Hiện nay, trên cương vị hiệu trưởng, thầy càng ý thức được trách nhiệm của mình đối với ngôi trường có số lượng học sinh đông nhất huyện, luôn trăn trở làm sao để vận động học sinh có hoàn cảnh khó khăn ra lớp một cách đều đặn và không bỏ học giữa chừng.
Thầy  Vũ  Đình Tùng phát thưởng cho  học sinh  tại điểm Trường Ea Lang nhân dịp tổng kết năm học.
Thầy Vũ Đình Tùng phát thưởng cho học sinh tại điểm Trường Ea Lang nhân dịp tổng kết năm học.

Mặc dù trường có rất nhiều điểm lẻ, giao thông không thuận tiện nhưng thầy Tùng không quản ngại khó khăn, thường xuyên đi đến tận nơi để kịp thời an ủi, động viên, khích lệ các thầy cô giáo, các em học sinh dạy tốt, học tốt. Điểm trường Ea Rớt là điểm trường xa nhất, cách điểm chính gần 20 km, đặc biệt trong những ngày mưa đường sá lầy lội, trơn trợt, đi xe máy phải mất 4 giờ đồng hồ mới đến nơi, vậy mà tuần nào thầy cũng vào điểm trường, tìm hiểu những tâm tư, nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh, học sinh để động viên và kịp thời giải quyết những khó khăn ở đây. Thầy Trung – một giáo viên tại điểm trường Ea Rớt cảm động tâm sự: “Bất kể là ngày nắng hay mưa, dù khó khăn đến mấy, không tuần nào mà thầy Tùng không có mặt để động viên đội ngũ giáo viên và toàn thể học sinh nơi đây, giúp chúng tôi có thêm sức mạnh tinh thần để đạt kết quả cao trong dạy và học”. Bên cạnh đó, với mong muốn tạo ra một môi trường giáo dục trong sáng, lành mạnh, thúc đẩy phong trào “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo”, thầy Tùng còn thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên, nhân viên trong nhà trường đi học các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thầy cũng thường xuyên khuyến khích, động viên toàn thể giáo viên, nhân viên nhà trường tham gia tích cực các cuộc thi như: viết sáng kiến kinh nghiệm; thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh; thi viết chữ đẹp; thi thiết kế hồ sơ bài giảng điện tử… Đội văn nghệ của trường cũng đạt giải cao trong các cuộc thi văn nghệ ở huyện, tỉnh.

Trong những năm qua, với sự góp sức của thầy Tùng, Trường TH Cư Pui 2 liên tục được công nhận là cơ quan văn hóa cấp huyện, tỉnh. Bản thân thầy hiệu trưởng, với những sáng kiến trong công tác quản lý giáo dục, sự tận tâm với nghề dạy học nên nhiều năm liền đã vinh dự được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Nguyễn Hữu Nhật Hân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.