Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Nhiều nỗ lực ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học

07:25, 08/03/2014

Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh bỏ học ở huyện Cư M’gar đã giảm đáng kể, chất lượng dạy và học cũng ngày một được nâng cao. Thành quả đó là nhờ sự nỗ lực không ngừng của ngành Giáo dục Đào tạo huyện cùng sự quan tâm, giúp đỡ từ các cấp, chính quyền địa phương.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cư M’gar, trong năm học 2013-2014 toàn huyện có 37.126 học sinh từ bậc học mầm non đến THCS, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có 18.278 em. Hằng năm, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng vẫn còn tồn tại, phổ biến nhất là học sinh DTTS ở các địa bàn xa trung tâm huyện, các xã vùng 3 và xã đặc biệt khó khăn như Ea Kiết, Ea Kuêh, Ea Bar, Cư Dliê M'nông… gây nên những khó khăn nhất định đối với ngành GD-ĐT huyện Cư M’gar.

Ông Lê Hữu Quynh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar chia sẻ: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, trong đó chủ yếu là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, các em sớm phải lao động phụ giúp gia đình từ các công việc đồng áng, làm rẫy, chăn dắt gia súc… mà không có thời gian lên lớp. Nguyên nhân này phần nhiều cũng là do nhận thức chưa đầy đủ, thậm chí là sai lệch của các phụ huynh khi không quan tâm, hoặc phó mặc hoàn toàn việc học tập của con cái mình cho phía nhà trường. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến nguyên nhân từ phía nhà trường là thiếu cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy thiếu hấp dẫn và tính sáng tạo, giáo viên không nói được ngôn ngữ của học sinh… đã phần nào khiến các em học sinh người DTTS thiếu hứng thú trong học tập. Một nguyên nhân khác là từ chính bản thân học sinh khi thiếu tự tin, ngại giao tiếp, học kém so với bạn bè… dẫn đến việc lười học, bỏ học là điều khó tránh khỏi ở các em học sinh.

Sự ân cần, tận tình của giáo viên là động lực giúp học sinh hứng thú hơn  với việc học tập.
Sự ân cần, tận tình của giáo viên là động lực giúp học sinh hứng thú hơn với việc học tập.

Xác định rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học, những năm qua, ngành GD-ĐT huyện Cư M’gar đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh để tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhằm vận động các em lỡ bỏ học đi học trở lại, giúp các học sinh khác yên tâm học tập. Bên cạnh việc tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của học sinh, cha mẹ học sinh về những tầm quan trọng của việc học tập, hằng năm, ngành GD-ĐT huyện còn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng; tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách với các đối tượng học sinh người DTTS… nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học trên địa bàn huyện đã giảm dần theo các năm học. Cụ thể trong năm học 2011-2012, toàn huyện có 340 em bỏ học, đến năm học 2012-2013 còn 267 em bỏ học và đến năm học 2013-2014 này chỉ còn 96 em.

Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (tại xã Cuôr Dăng) là một trong những đơn vị điển hình thực hiện có hiệu quả việc duy trì số lượng học sinh đến lớp đông đủ. Trao đổi về những kinh nghiệm của trường, thầy Hiệu trưởng Đinh Quang Hùng cho biết, muốn học sinh yêu trường, yêu lớp thì vai trò của các thầy, cô giáo là quan trọng nhất. Đối với giáo viên chủ nhiệm phải luôn gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng các em, nhẹ nhàng với những sai trái của học sinh, tạo môi trường thân thiện giúp các em có hứng thú khi đến trường. Đề ra kế hoạch đi thăm nhà phụ huynh, nhất là những học sinh là cán bộ lớp, những học sinh cá biệt, những học sinh học khá đang cần lựa chọn để kèm cặp các học sinh yếu… Chưa hết, nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền xã, đặc biệt là các già làng, trưởng buôn để vận động các gia đình tạo điều kiện tốt nhất cho con em đến trường, khuyến khích các em đi học. Năm học 2008-2009 Trường THCS Đinh Tiên Hoàng là điểm nóng về tình trạng học sinh bỏ học với 114 em, nhưng đến năm học này chỉ có 4 em bỏ học, hiện nhà trường đang tích cực vận động các em đi học trở lại.

Năm học 2011-2012, Trường THCS Ea Tul (ở xã Ea Tul) có 37 học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ cao nhất huyện, nhưng đến năm học 2013-2014 đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm còn 9 em. Thầy Hiệu trưởng Bùi Đình Thảo cho biết, nhà trường luôn đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết học, bởi đây là điều khiến các em rất hứng thú. Đa số học sinh của trường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chất lượng “đầu vào” tương đối yếu nên nguy cơ bỏ học của các em là rất cao. Sau khi triển khai cuộc vận động “Mỗi cán bộ giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hay học yếu”, thì hầu hết giáo viên của trường nghiêm túc thực hiện. Theo đó, những học sinh được giáo viên nhận đỡ đầu được phụ đạo, hướng dẫn phương pháp tự học hoặc được giúp đỡ sách, vở, áo quần, tiền… để các em không bỏ học, có ý thức học tập, rèn luyện và học tập tiến bộ hơn, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

Quốc Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.