Khi phong bì "gõ cửa" lớp học
Thành viên trong lớp học của chúng tôi gồm bốn mươi người, có nhiều người lớn tuổi, có cả người mới tốt nghiệp ra trường. Nhiều môn học, nhiều kiến thức, có người tiếp thu tốt, cũng có người học xong hết học phần rồi mà... chẳng biết và chẳng nhớ gì hết! Vào những ngày kiểm tra hay thi cử, sự sợ hãi, lo lắng hiển hiện trên khuôn mặt một vài học viên, thường là những người lớn tuổi và những người bận rộn công việc, ít có thời gian đến lớp. Và những “thượng sách” bắt đầu bày ra…
Một trong những “thượng sách” là kế hoạch mua quà cáp, biếu phong bì cho thầy cô và những người liên quan (từ người tổ chức thời khóa biểu cho lớp đến cả giám thị hành lang coi thi). Thế là hằng tháng, học viên phải nộp nhiều khoản tiền khác nhau. Ngoài tiền học phí, còn có tiền bồi dưỡng cho thầy cô dạy, tiền biếu người ra đề, tiền cho người coi thi... Mọi khoản tiền này đều được bỏ lịch sự vào phong bì và lớp cử đại diện đến nhà thầy cô.
Một vài thành viên trong lớp tỏ ra khá bức xúc quanh việc này, nhưng “phép vua thua lệ làng”, hay “thiểu số phải phục tùng đa số”. Không mặn mà với “kế hoạch hoàn hảo” mà lớp đề ra nhưng tôi cũng thử tham gia một lần xem sao. Tôi đến nhà thầy giáo nọ, cùng với vài ba người trong lớp để “thăm dò” sở thích, sinh hoạt của từng thầy giáo dạy trong lớp. Có thầy thích nuôi chim kiểng, có thầy thích nuôi cá, nuôi tôm cảnh, có thầy thích trưng bày những món đồ trang trí đắt tiền. Và cả lớp vận động nhau đóng những khoản tiền hết sức vô lý, để đi cửa sau đến nhà thầy, với mong muốn thầy cho qua môn đó, hoặc đừng quá gay gắt với lớp.
Đa số những học viên trong lớp học tại chức đều đã đi làm, phần lớn làm ra tiền. Họ vừa đi làm vừa bận bịu việc nhà, gia đình và các mối quan hệ xã hội nên không có thời gian để học bài, xem bài, như lúc còn là mấy cô cậu sinh viên chăm chỉ. Vì thế, họ vô tình biến hoạt động dạy và học, công việc cao cả trở thành hành động “kinh doanh”.
Có lần vào trước giờ thi, bất ngờ lớp trưởng yêu cầu họp gấp. Hóa ra, do nghe nói thầy cô coi thi khó lắm nên lớp trưởng đề nghị mỗi người góp 300.000 đồng bỏ phong bì cho các giáo viên coi thi để cho lớp được trao đổi, mở tài liệu. Cách làm là kẹp phong bì vào giấy thi để biếu thầy cô ngay tại phòng thi. Nhìn đám đông trong lớp nhao nhao đến nộp tiền, trong ấy có cả những cái đầu lơ phơ tóc trắng, tôi buồn vô cùng. Làm như thế này khác nào “mua” tấm bằng đại học bằng tiền?!
Những kỳ học trôi qua, rồi đến kỳ thi tốt nghiệp, những đề thi, cộng với thái độ của các giảng viên ở trường đại học đều được trao đổi bằng những món quà, những phong bì. Những nụ cười nở bí hiểm trên khuôn mặt của người đưa và người nhận, làm tôi thấy có phần xót xa cho thực trạng học tại chức ở một số nơi. Còn đâu hình ảnh đẹp của người thầy gầy gò, mẫn tiệp cầm chiếc roi bên đám học trò, còn đâu hình ảnh của người thầy tận tụy bên những dòng chữ, nét phấn. Còn người học, sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, chỉ là để cầm cho có, cầm để đối phó, còn những kiến thức trong chương trình thì không cánh vụt bay từ khi nào. Phải chăng ai đó từng nói: “Học tại chức, quên tại chỗ” rất đúng với trường hợp của lớp tôi, và một số nơi khác?
Thanh Trâm
Ý kiến bạn đọc