Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực của cậu học trò "tuyến huyện"

10:14, 09/03/2014
Với sự nỗ lực cùng tình yêu và niềm say mê dành cho môn học yêu thích đã giúp cậu học trò “tuyến huyện” Trần Văn Thuật (học sinh lớp 11A8, Trường THPT Cư M’gar) vươn lên đạt giải Ba học sinh giỏi Quốc gia lớp 12, môn Địa lý, năm học 2013-2014.

Gặp Thuật, ấn tượng đầu tiêu về em là một cậu bé nhỏ nhắn, dáng người mảnh khảnh, nhưng không kém phần lễ phép, khiêm tốn. Em không giấu nổi xúc động cho biết, lên cấp 3, em “say” với Địa lý bắt đầu từ sự tò mò muốn biết về các vùng, miền trong cả nước và sau đó, càng học, em càng khám phá những điều thú vị hơn. Giờ, môn Địa lý đã ăn sâu vào máu thịt và không thể bỏ qua khi hàng ngày em ngồi vào bàn học bài, cho dù ngày hôm sau không có tiết.

Nhìn cậu học trò “bé hạt tiêu”, ít ai nghĩ rằng đây là một cậu bé luôn có ý thức rèn luyện, phấn  đấu để vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình vươn lên học giỏi. Nhà cách trường gần chục cây số nên em phải thuê trọ để thuận lợi cho việc học. Bố mẹ làm nông, đồng tiền chu cấp eo hẹp, lại một mình “cơm đùm gạo gói” lên huyện trọ học, khó khăn, thiếu thốn đến với em không phải là ít, nhưng Thuật luôn nhủ lòng phải cố gắng hoàn thành thật tốt việc học để bố mẹ vui lòng. Đối với việc học của mình, Thuật luôn nghĩ, môn nào cũng vậy, muốn tiến bộ thì trước hết phải say mê và dành thời gian cho nó. Với môn Địa, trước tiên, em vạch phương pháp học cho bản thân như nắm thật rõ lý thuyết, sau đó vận dụng để giải các dạng đề. Bao giờ cũng vậy, trước khi bắt đầu bài mới, Thuật cũng xem thật kỹ lý thuyết và kiên trì giải lại các bài tập làm trên lớp để nắm thật chắc các dạng đề. Với một môn học khá nhiều lý thuyết như Địa lý thì Thuật chọn cách vạch ra từng ý đối với mỗi nội dung để nhớ được lâu hơn. Ngoài thời gian học ở trường, em dành phần lớn thời gian tự học ở nhà và tìm hiểu những tài liệu nâng cao mượn của thầy cô, thư viện. Miệt mài, tự học và tìm ra cách học riêng cho mình, Thuật chia sẻ, em luôn cố gắng học thêm ở bạn bè, bài nào chưa hiểu thì “không ngại” tìm đến nhờ thầy, cô giảng lại. Say mê Địa lý nhưng Thuật không sao nhãng việc học các môn còn lại, em cũng áp dụng cách học trên, nghĩa là sẽ không bắt tay vào làm bài tập nếu chưa nắm thật chắc lý thuyết và  sẽ chẳng bao giờ gấp sách, vở lại hay bỏ qua một dạng đề nào nếu thấy chưa thật sự “thông” về nó.

Dù chỉ “rinh” về được giải Ba học sinh giỏi Quốc gia lớp 12, nhưng đối với một học trò tuyến huyện, lại đang học lớp 11 là cả một sự cố gắng không hề nhỏ đối với Thuật. Thành tích “nhỏ” đã tiếp thêm nỗ lực, cũng như tự tin để em ra sức thực hiện hoài bão của mình là sau này sẽ trở thành người giáo viên đứng trên bục giảng, truyền đạt những kiến thức và tâm huyết của mình đến các trò nhỏ…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.