Nỗ lực giúp học sinh trở lại yêu thích môn Lịch sử
Học sinh (HS) không thích học Sử là thực tế đang diễn ra ở các bậc học phổ thông. Vấn đề này “nóng” hơn khi Bộ GD-ĐT đổi mới phương thức thi tốt nghiệp THPT theo hướng HS được quyền lựa chọn 2 môn thi tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ, Địa lý và Lịch sử.
Chọn môn thi theo sở trường
Điều này cũng dễ hiểu bởi số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các khối A, A1, B, D những năm gần đây luôn chiếm tỷ lệ cao hơn các khối thi có bộ môn Lịch sử. Đơn cử năm 2013 toàn tỉnh có 47.854 hồ sơ đăng ký dự thi ở gần 300 trường ĐH, CĐ, học viện trong cả nước, trong đó khối A có 19.503 hồ sơ, khối B: 14.997 hồ sơ, khối D1: 5.438 hồ sơ, khối C: 2.891 hồ sơ…Vì vậy để thuận tiện trong quá trình ôn thi, HS thường chọn môn thi tốt nghiệp cùng khối thi ĐH, CĐ. HS không lựa chọn môn Sử có thể không phải vì không thích môn học này mà vì các em phải tính toán phương án để đạt được điểm cao nhất trong các kỳ thi. Tỷ dụ nếu Bộ GD-ĐT cho chọn thêm cả môn Ngữ văn thì chưa chắc số HS đăng ký thi Ngữ văn sẽ nhiều hơn Lịch sử. Và điều đó không đồng nghĩa với việc HS không thích văn chương, nên khi được chọn, một cách tự nhiên các em sẽ chọn môn thi ít thách thức hơn, ít nặng nề hơn và là môn sở trường của mình. Hiện có nhiều ý kiến trái chiều và tỏ ra lo ngại trước thực trạng này, tuy vậy cũng cần phải có cái nhìn khách quan, công bằng trước sự lựa chọn của các em. Tại Trường THPT dân tộc nội trú N’Trang Lơng, trong tổng số 173 học sinh lớp 12, thì có 45 em đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử, con số này tương đương với số HS có nguyện vọng thi ĐH khối C (thi các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Thầy Hoàng Nghĩa Đào, Hiệu trưởng nhà trường cho biết với đặc thù chủ yếu là học sinh DTTS, các em thường thiên về các môn xã hội do đó không riêng năm học này mà nhiều năm trước trong quá trình tư vấn hướng nghiệp nhà trường động viên các em lựa chọn môn sở trường của mình để thi đạt kết quả cao nhất. Nhờ vậy chất lượng giáo dục của trường không ngừng nâng lên trong những năm gần đây. Chỉ riêng HS giỏi quốc gia, từ năm học 2008-2009 đến nay, Trường có 4 em đoạt giải và cả 4 giải này đều là môn Lịch sử. Cả hai em Mông Thị Bích Vân (dân tộc Nùng) đoạt giải Ba và em Lý Đại Hùng (dân tộc Dao) đoạt giải Khuyến khích đều nói, các em yêu thích môn học này, luôn háo hức chờ đến tiết học Sử để được nghe cô giáo kể những câu chuyện về các sự kiện, nhân vật, qua đó càng thấy yêu quê hương, đất nước mình hơn.
Thầy Trần Văn Hạnh, Trường THPT Chu Văn An giới thiệu "Sa bàn thể hiện chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785" với Ban Giám khảo. |
Trăn trở với nghề
Hội thi tự làm và sử dụng đồ dùng dạy học tự làm giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên cấp tỉnh năm học 2013-2014 vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột được đánh giá là đã thành công ngoài mong đợi, thu hút đông đảo giáo viên các trường THCS, THPT, GDTX tham gia với hơn 2.000 sản phẩm dự thi ở cấp cơ sở. Càng bất ngờ hơn trong tổng số 257 sản phẩm dự thi cấp tỉnh có 7 sản phẩm của bộ môn Lịch sử, chỉ đứng sau các môn tự nhiên, trong đó bậc THCS 5 sản phẩm, THPT 2 sản phẩm. Rõ ràng các thầy cô giáo dạy Lịch sử rất tâm huyết, trăn trở với môn học mà mình đã chọn và gắn bó. Thầy giáo Trần Văn Hạnh, giáo viên Lịch sử Trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột), tác giả của đồ dùng dạy học tự làm “Sa bàn thể hiện chiến thắng Rạch Gầm –Xoài Mút năm 1785” – đoạt giải Nhì chia sẻ: Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ, tồn tại cách chúng ta hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng triệu năm. Do đó, việc tiếp cận và tái hiện lịch sử gần giống như nó đã từng tồn tại là một việc rất khó khăn. Vì vậy, trong quá trình dạy, giáo viên đã sử dụng những tư liệu như hình ảnh, bản đồ, biểu đồ, đặc biệt là phim tư liệu để hỗ trợ cho bài giảng. Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy Lịch sử cũng có những hạn chế nhất định, vì vậy cần đầu tư thời gian, công sức làm mô hình đồ dùng dạy học nhằm tái hiện lại sự kiện lịch sử một cách sinh động. Còn thầy giáo Bùi Văn Tươi, dạy Lịch sử Trường THPT Hùng Vương (huyện Krông Ana), tác giả đồ dùng dạy học tự làm “Sa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ” tâm sự: “Khi đang là sinh viên mình đã lên “lòng chảo Điện Biên”, thăm một số di tích nổi bật của Điện Biên Phủ, vì vậy cũng muốn HS có cái nhìn chân thực hơn về sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này. Trong quá trình giảng dạy, mình sẽ nêu ra một số vấn đề liên quan đến chiến dịch như: đây là trận đánh lớn nhất trong “Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất”; là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945-1954 của Việt Nam; lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng bằng quân sự một quân đội của một cường quốc châu Âu; tài thao lược của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Với sự gợi mở trên sẽ khêu gợi trong học sinh sự tò mò, khát khao tìm hiểu những kiến thức lịch sử liên quan…”.
Mức độ tiếp thu kiến thức mới của HS tăng dần theo các cấp độ của tri giác nghe - thấy - làm được (những gì nghe được không bằng những gì nhìn thấy và những gì nhìn thấy thì không bằng những gì tự tay làm), nên khi đưa phương tiện - đồ dùng vào quá trình giảng dạy, giáo viên có điều kiện để nâng cao tính tích cực, độc lập của HS, từ đó nâng cao hiệu quả của quá trình tiếp thu, lĩnh hội kiến thức các em. Xét cho cùng, đồ dùng dạy học cũng chỉ là phương tiện truyền đạt kiến thức, quan trọng là mỗi giáo viên bằng tài năng, sự tâm huyết của mình tạo hứng thú học tập để các em ngày càng yêu môn Lịch sử hơn!
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc