Multimedia Đọc Báo in

Nửa đời người "chở" chữ sang sông

14:03, 29/04/2014
Gần 30 năm, bất kể trời mưa hay trời nắng, người ta vẫn thấy ông ngày ngày cần mẫn chở đò đưa các em học sinh và những người dân có việc qua sông sang bờ một cách an toàn. Đó là ông Phạm Văn Sỹ, ở thôn 6 xã Bình Hòa (thường gọi là thôn Ea Chai), huyện Krông Ana.
 
Thôn Ea Chai có 176 hộ dân sinh sống với 734 nhân khẩu, do địa hình tự nhiên bị chia cắt bởi dòng sông Krông Ana nên từ nhiều năm nay việc đi lại của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, thôn Ea Chai có 57 học sinh đang theo học tại các trường THPT tại thị trấn Buôn Trấp và Trường THCS Lê Văn Tám tại trung tâm xã; 86 học sinh tiểu học và 22 học sinh mầm non học tại điểm Trường Mầm non Sao Mai và điểm Trường Tiểu học Trần Quốc Toản trong thôn. Đi kèm với đó, để phục vụ cho hai điểm trường này là 12 cán bộ giáo viên mầm non và tiểu học ở phân hiệu chính phía trung tâm xã thường xuyên qua lại phân hiệu Ea Chai để giảng dạy (chưa kể các hoạt động chuyên môn thường xuyên của Ban giám hiệu các trường trên). Tất cả đều phải qua khúc sông này. Ông Sỹ nhớ lại, cách đây khoảng 30 năm, khi mới đặt chân vào đây lập nghiệp, thấy được sự vất vả của người dân nơi đây, ông Sỹ đã tình nguyện lái đò chở bà con qua sông. Vậy mà thấm thoắt đã hơn 28 năm, cũng là ngần ấy năm ông Sỹ gắn bó với công việc lái đò của mình. Một ngày làm việc của ông được bắt đầu theo một “công thức” bất di bất dịch, dù mưa dầm hay gió rét ông phải dậy từ 4 giờ sáng, đây là thời gian chủ yếu để chở những người làm nghề buôn bán của thôn Ea Chai sang sông, khoảng 6 giờ 30 là các em học sinh cắp sách tới trường rồi đến 11 giờ trưa lại chở các em đi học về. Đối với học sinh đi học buổi chiều thì thời gian các em đến trường là 12 giờ 30 và khi về là 17 giờ 30.
 
Gần 30 năm qua, ông Sỹ đã gắn bó với chuyến đò Ea Chai.
Gần 30 năm qua, ông Sỹ đã gắn bó với chuyến đò Ea Chai.

Dù hoàn cảnh gia đình không khá giả gì, nhưng trong suốt thời gian đó, ai qua sông muốn đưa cho ông bao nhiêu tiền cũng được. Riêng đối với học sinh ông Sỹ không những không bao giờ lấy tiền đò mà còn thường xuyên nhắc nhở học sinh phải ngồi cẩn thận mỗi khi qua sông và cố gắng học tập thật tốt để cha mẹ và thầy cô vui lòng. Gắn bó với đám học trò, ông Sỹ nhớ mặt từng em, hiểu hoàn cảnh từng học sinh trên mỗi chuyến đò sang sông. Bởi thế mà với những em học sinh vì hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học giữa chừng, ông đã đến tận nhà vận động gia đình để con em được đi học lại. Nhắc đến ông ông Sỹ, tất cả các em học sinh đều rất yêu quý và biết ơn về một ông lái đò tận tụy, vui tính, nhờ có ông mà học sinh nơi đây được đến trường một cách đầy đủ và an toàn. Từ năm 2011 đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana mỗi tháng ông được nhận tiền công 2 triệu đồng trong 10 tháng/năm và 40 triệu đồng kinh phí nhiên liệu trong suốt quá trình phục vụ. Là người có nhiều năm kinh nghiệm sông nước, ông Sỹ thông thạo từng khúc sông, từng dòng nước xoáy và thấu hiểu những khó khăn vất vả, những hiểm nguy rình rập mọi người khi qua vùng sông nước này. Mới đây, ông Sỹ phải vay ngân hàng hơn 50 triệu đồng để sửa sang lại con đò để đưa bà con qua sông đi làm, các em học sinh học hành cho an toàn. Nhận xét về công việc cũng như những đóng góp của ông Khương đối với người dân địa phương, trưởng thôn Ea Chai Phan Xuân Phận cho rằng, nếu không có một người lái đò ngang tận tụy, nhiệt tình như ông Sỹ có lẽ cái sự học của vùng "ốc đảo" này khó có thể vực dậy được. Không chỉ làm nghề đưa những cô cậu học trò sang sông, ông Sỹ còn hướng những người con của mình vào việc học hành. Ông bảo, đời mình khổ rồi phải tìm cách làm sao cho con mình đỡ vất vả. “Con tui lớp mô cũng có”, câu nói tưởng như đùa ấy lại đúng với ông Sỹ. Ông có 9 người con, đứa bé nhất đang học tiểu học, 3 đứa lớn đang theo học đại học. Chuyện xưa nay hiếm ở vùng đất khó khăn này.

Ông Sỹ đùa vui: “Người ta nói 60 năm cuộc đời, vậy là tui có nửa đời người lái đò rồi chú hè”. Đúng là ông đã có nửa đời lái đò, nhưng cái sự học của Ea Chai chắc chắn sẽ còn phải nhờ ông nhiều lắm. Có mặt trên sông Krông Ana khi trời đã về trưa, trước mắt chúng tôi từng tốp em nhỏ với áo trắng khăn quàng đỏ tung bay. Các em đang chuyện trò cười đùa vui vẻ trong khi đó ở phía dưới cùng là ông lái đò dáng người nhỏ nhắn với nước da sạm đen vì nắng gió vẫn đang chăm chú cầm vững tay lái để đưa con đò cập bến một cách an toàn. Đôi khi những nụ cười rạng rỡ tinh nghịch khiến người lái đò cũng bật cười theo. Những tiếng cười giòn cùng vang vọng tan vào sông nước…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.