Để giờ thảo luận thành công
Để có một tiết dạy học trên lớp với phương pháp thảo luận nhóm thành công đòi hỏi người giáo viên phải chuẩn bị tốt nhiều khâu: từ nội dung, mục tiêu, câu hỏi, cho đến chuẩn bị vật dụng, cách chia nhóm, thời gian thảo luận, báo cáo kết quả…
Khối lượng kiến thức của một bài học thường rất lớn trong khi thời lượng tiết học lại ngắn nên khi thảo luận nhóm giáo viên rất dễ “cháy” giáo án. Bởi vậy, giáo viên cần phải xác định rõ những nội dung trọng tâm cần được đưa ra thảo luận, không nhất thiết nội dung nào cũng phải đưa ra thảo luận. Để huy động được sự tham gia nhận xét, góp ý từ các nhóm, giáo viên nên đưa ra câu hỏi thảo luận chung cho hai nhóm hoặc bốn nhóm, nhóm này, nhóm kia nhận xét, bổ sung lẫn nhau thì mới đi đến đáp án gọn nhất và chính xác nhất.
Mỗi lớp học ở cấp phổ thông giáo viên chủ nhiệm thường chia theo 4 tổ (ứng với một tổ là một nhóm). Khi thảo luận, giáo viên có thể chia hai tổ một nhóm, hoặc mỗi tổ thành một nhóm miễn sao thuận lợi cho việc thảo luận. Cùng với việc chia nhóm, giáo viên yêu cầu mỗi nhóm cử thành viên (nhóm trưởng) điều hành, ghi chép và báo cáo kết quả thảo luận. Giáo viên là người bao quát lớp và thỉnh thoảng đến từng tổ động viên, gợi ý hướng thảo luận về nội dung đã cho.
Báo cáo kết quả thảo luận được xem là khâu “đơm hoa kết trái” trong một tiết học. Có nhiều cách báo cáo: hoặc là báo cáo tại chỗ, hoặc dán kết quả đã thảo luận của nhóm trên bảng đen, cách nào cũng rèn cho học sinh kỹ năng diễn giải trước đám đông. Nếu là báo cáo tại nhóm, sau khi báo cáo xong giáo viên sẽ yêu cầu nhóm khác nhận xét, bổ sung lẫn nhau để tìm ra đáp án và cuối cùng giáo viên chốt lại vấn đề.
Để khích lệ các nhóm thảo luận tích cực và có chất lượng, giáo viên nên tuyên dương trước lớp hoặc ghi điểm cho cả nhóm vào cột điểm kiểm tra miệng… Một điều quan trọng là khi các nhóm đã báo cáo kết quả thảo luận xong, giáo viên nên khéo léo nhận xét, khen nhiều hơn chê, mục đích là để động viên các em lần sau.
Để tiết thảo luận nhóm thành công như mong muốn đòi hỏi phải có sự hợp tác tích cực từ hai phía: học sinh và giáo viên. Ngoài sự chuẩn bị chu đáo từ các khâu của giáo viên, mỗi học sinh cần phải có thái độ cộng sự học tập nghiêm túc, tránh tư tưởng ỷ lại trông chờ bạn bè.
Ngô Mã Thiên
Ý kiến bạn đọc