Để học và thi môn Lịch sử đạt kết quả cao
Thật ra, Lịch sử không phải là một môn học khô khan, khó hiểu, nếu biết cách học thì có thể học tốt, yêu thích và đạt điểm cao ở môn học này. Dưới đây là một số kinh nghiệm về cách học và thi tốt môn Lịch sử để học sinh tham khảo:
Học như thế nào để dễ nhớ, dễ hiểu:
Trước hết, học sinh cần nhớ trong quá trình học phải biết xác định những kiến thức cơ bản, trọng tâm. Phương pháp học là học hiểu, chứ không phải cứ nhồi nhét tất cả các chữ có trong sách giáo khoa vào trong đầu thì rất dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Nếu không hiểu gì về nội dung, ý nghĩa, khi vào phòng thi quên mất chữ đầu tiên thì cũng sẽ quên hết cả đoạn, viết bài sẽ lẫn lộn, lan man, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Sau khi học xong một vấn đề, một giai đoạn lịch sử, học sinh có thể ôn tập kiến thức đã học bằng cách suy nghĩ hình dung trong đầu rồi viết ra giấy, xâu chuỗi các sự kiện, các giai đoạn và hiểu được nội dung của giai đoạn đó như thế nào. Sau đó, so sánh lại sách giáo khoa và bổ sung những kiến thức còn thiếu hoặc viết sai, như thế sẽ nhớ lâu hơn và hiểu bài hơn.
Đối với các sự kiện, địa danh lịch sử: cần cố gắng nhớ những ngày tháng quan trọng, không nhất thiết phải thuộc tất cả các ngày, các địa danh lịch sử. Chỉ cần nhớ một cách tương đối, ví dụ: khi không nhớ được ngày tháng chính xác, thì cần nhớ sự kiện đó diễn ra vào khoảng năm nào, địa danh lịch sử nếu không nhớ cụ thể thì cần nhớ ở tỉnh nào, vùng nào…
Học lịch sử không chỉ để ghi nhớ các sự kiện mà còn phải hiểu sự kiện, hiểu được ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của sự kiện lịch sử. Học sinh cần đọc và hiểu được sự kiện lịch sử này có ý nghĩa như thế nào với giai đoạn lịch sử đó, những kinh nghiệm nào được rút ra từ sự kiện lịch sử này, liên hệ với thực tế hiện nay… Khi hiểu sâu các sự kiện lịch sử thì sẽ không dễ quên như cách học thuộc lòng.
Làm bài thi như thế nào để đạt điểm cao:
Thứ nhất, cần chuẩn bị về tâm lý
Khi bước vào phòng thi đừng nên tạo cho mình quá nhiều áp lực,
hãy tạo cho mình tâm lý thoải mái, đơn giản hóa mọi sự việc, tự tin rằng mình sẽ làm được tất cả…
Thứ hai, phải hiểu đề thi yêu cầu cái gì
Để tránh tình trạng “hỏi một đường, trả lời một nẻo”, khi nhận đề thi học sinh không nên vội vàng mà cần đọc lướt qua tất cả các câu, sau đó đọc kỹ từng câu, xem nội dung các câu hỏi có liên quan gì đến nhau không. Cần gạch ra giấy nháp hoặc gạch chân yêu cầu của từng câu hỏi trong đề thi, nhấn mạnh yêu cầu đó. Vì không hiểu đề thì sẽ dẫn đến viết sai yêu cầu hay gọi là làm nhầm đề, sẽ không có điểm nào cả.
Thứ ba, nên lập dàn ý sơ lược
Sau khi đọc kỹ đề và hiểu được yêu cầu của đề thi, cần ghi ra giấy nháp những ý trả lời sơ lược mà mình nắm được với yêu cầu câu hỏi đó, nhấn mạnh những ý lớn để phân tích kỹ. Sau khi ghi nháp xong cần xem lại nếu có nhớ ra ý gì thì bổ sung thêm vào.
Thứ tư, bắt tay vào viết
Học sinh bắt tay vào làm bài thi khi đã có bản dàn ý sơ lược. Bài thi lịch sử cũng giống những bài thi khác, cần được trình bày sạch sẽ, gọn gàng, đúng và đủ ý, sau khi viết hết một ý chính, một sự kiện thì xuống hàng và lùi vào đầu dòng.
Nên phân thời gian cho từng câu hỏi, câu nào cần dành nhiều thời gian hơn, câu cần ít thời gian hơn, sắp xếp như thế để tập trung viết thật đủ ý, đúng ý, kết thúc câu hỏi và bắt tay làm câu khác. Cứ như thế sẽ tránh được việc câu thì viết dài quá mà lan man không đủ ý, câu viết ngắn quá chưa đủ ý, hết giờ thì cả bài thi chưa kịp làm xong, không kịp đọc lại bài để soát lỗi chính tả, thừa hay thiếu ý ở câu nào.
Cuối cùng, sau khi làm bài xong, cần dành khoảng 5-10 phút để đọc lại toàn bộ bài thi, xem có lỗi chính tả nào không, câu nào còn thiếu ý, câu nào viết thừa hoặc sai để dùng thước kẻ và bút gạch bỏ, cần chú ý là không dùng bút xóa để xóa những lỗi trong bài thi vì như thế là vi phạm quy chế thi.
Hồ Thị Nghĩa
Ý kiến bạn đọc