Để ôn tốt môn Ngữ văn theo dạng đề mới
1. Tăng cường khả năng đọc văn bản để trả lời câu hỏi
Việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá đối với môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT nhằm mục đích hướng vào việc đánh giá, kiểm tra năng lực của học sinh, tránh lối học tủ, học vẹt. Với phần đọc hiểu, người học cần chú ý ngữ liệu được sử dụng trong phần này có thể nằm trong chương trình sách giáo khoa hoặc ngoài chương trình sách giáo khoa. Ngữ liệu được cho có thể là một đoạn trích, một văn bản ngắn ở nhiều lĩnh vực khác nhau, sau đó thí sinh sẽ phải trả lời những câu hỏi liên quan như: xác định nội dung, ý nghĩa văn bản, chi tiết, tên văn bản; ý nghĩa của từ ngữ, cú pháp; các biện pháp nghệ thuật và tác dụng của chúng… Học sinh cân tìm thêm các văn bản ngắn ngoài sách giáo khoa như những câu chuyện gần gũi, có ý nghĩa nhân văn trên các trang mạng xã hội để dùng làm ngữ liệu rèn luyện thêm. Một điểm mới trong phần đọc hiểu năm nay là tích hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt của học sinh như: nhận diện, nên tác dụng của các biện pháp tu từ; nhận diện và sửa lỗi sai về từ, câu, ngữ pháp... Đối với phần này, người học cần chú ý trả lời từng câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tránh dài dòng, lan man.
2. Nắm vững cấu trúc và phát huy tính sáng tạo khi viết văn nghị luận
Với phần làm văn, có thể học sinh sẽ phải làm cả hai dạng văn: nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Tuy nhiên, dạng câu hỏi và cách hỏi sẽ linh hoạt hơn so với trước đây. Đối với câu hỏi nghị luận xã hội, người học cần nắm vững cấu trúc của hai dạng nghị luận: tư tưởng đạo lý và hiện tượng đời sống, tùy vào từng đề mà đưa ra cách làm bài phù hợp. Để làm tốt câu hỏi này, người học cần tích lũy vốn kiến thức không chỉ có trong sách vở mà còn cả ngoài xã hội, đồng thời không ngừng cập nhật những vấn đề mang tính thời sự, đang được dư luận quan tâm để khi cần thiết có thể đưa vào bài làm nhằm tăng tính thuyết phục cho người đọc. Đối với nghị luận văn học, ngữ liệu được sử dụng vẫn là những tác phẩm, đoạn trích đã học trong chương trình, sách giáo khoa nhưng cách hỏi có thể đổi mới và theo hướng “mở”. Chẳng hạn “hãy cảm nhận về một nhân vật văn học được yêu thích trong chương trình đã học”, hoặc “cảm nhận sự sáng tạo của tác giả trong một đoạn thơ, một đoạn văn trong chương trình đã học”… Với đề bài kiểu này, rất cần khả năng vận dụng và sáng tạo của thí sinh, đồng thời các em phải xây dựng hệ thống lập luận chặt chẽ thuyết phục với các ý cơ bản: vài nét về tác giả và tác phẩm (dấu ấn, vị trí của tác giả, hoàn cảnh ra đời, nội dung của tác phẩm hoặc đoạn trích), với văn xuôi cần chú ý về: cách phân tích nhân vật qua các chi tiết, tình huống truyện, đi sâu vào tâm lý nhân vật, đánh giá ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm; đối với bài hoặc đoạn thơ thì cần chú ý các chi tiết nghệ thuật, hệ thống hình ảnh, kết cấu, mạch thơ, hình tượng và chủ đề thơ,… Khi liên hệ hoặc nêu dẫn chứng trong văn nghị luận, chúng ta cần lấy những ví dụ trong văn học và thực tế nhưng phải có tính điển hình và mang tính chọn lọc cao, tránh rườm rà, tiểu tiết và viết lan man.
Cao Nguyên
Ý kiến bạn đọc