Luyện nét chữ, rèn nết người
Ngày nay, khi mà hầu hết các văn bản đều được soạn thảo trên máy vi tính thì nhiều người cho rằng việc viết chữ đẹp không còn quan trọng nữa. Nhưng với các thầy cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (xã Ea Tar, huyện Cư M’gar) thì lại khác, họ luôn dành ra lượng thời gian nhất định để rèn chữ cho học trò, bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng luyện nét chữ cũng chính là rèn nết người.
Phong trào “Viết chữ đẹp, giữ vở sạch” được Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh triển khai từ nhiều năm nay và đã mang lại những kết quả thiết thực, thu hút sự tham gia nhiệt tình của thầy cô giáo và các em. Ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đã lập kế hoạch triển khai, coi đây là tiêu chí quan trọng trong dạy và học và giao cho từng giáo viên chủ nhiệm bố trí thời gian cũng như phương pháp rèn chữ hợp lý, hiệu quả cho các em. Hằng tuần, tháng, quý, nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá xếp loại công khai. Ngoài ra, trường còn có nhiều hoạt động như xây dựng các chuyên đề dạy tập viết và chính tả, tổ chức hội thi viết chữ đẹp dưới các hình thức như: “văn hay - chữ đẹp”, “Viết chữ đẹp, giữ vở sạch”… Nội dung trong mỗi bài tập chép là những câu thơ, câu văn ca ngợi quê hương đất nước, tri ân thầy cô, công ơn cha mẹ hay lời dạy của Bác Hồ.
Giờ luyện chữ của cô trò Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh. |
Việc rèn chữ cho các em được nhà trường bố trí thời gian hợp lý, các em còn nhỏ tuổi nên lượng chữ luyện viết ít, chủ yếu là viết đi, viết lại nhiều lần các câu thơ, câu văn để nhớ những từ khó và cũng để nét chữ cứng cáp hơn. Ban đầu, thầy cô dạy cho các em viết chữ cái in thường, in hoa, dạy viết chữ to trước rồi đến chữ nhỏ, dạy các kỹ thuật nối bằng cách phân thành các nét, như nét tròn gồm chữ o, ô, ơ, d, nhóm nét khuyết móc hai đầu gồm m,n…). Cô giáo Nguyễn Thị Lài, chủ nhiệm lớp 1C cho hay: Cái khó nhất của việc luyện chữ đối với các em bậc tiểu học là các nét móc hai đầu như m, n, nét khuyết trên, khuyết dưới… rất khó để đúng độ cao và tạo sự mềm mại trong từng con chữ. Sau khi cho các em làm quen với các nét rồi thì các cô tập cho trò viết tăng tốc độ dần, đẹp nhưng phải nhanh, đúng chính tả. Còn theo cô giáo Bùi Thị Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2B - người đã nhận nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi vở sạch chữ đẹp cấp huyện, tỉnh thì viết chữ đẹp phải có niềm đam mê. Trước mỗi buổi học, cô thường bắt đầu với các em bằng tư thế ngồi học, cách đặt cuốn vở sao cho ngay ngắn trên mặt bàn, cách cầm bút để “cho ra” những nét chữ uyển chuyển. Ngay từ lớp 1 cô đã chú tâm rèn chữ cho các em để có kiến thức căn bản về sau. Bên cạnh rèn viết chữ đẹp, cô còn dạy học trò của mình biết giữ gìn tập vở sạch sẽ cũng là cách để giáo dục tính cẩn thận cho các em.
Với nỗ lực của cô và trò, nhiều học sinh của Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh dần dần viết chữ đẹp lên thấy rõ. Nhiều em trước đây viết chữ rất xấu, thường mắc các lỗi như sai độ cao, độ rộng, viết xiên xẹo, không đọc rõ nhưng nay đã viết ngay hàng thẳng lối, đúng nét. Cô Lâm Thị Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Phong trào “Viết chữ đẹp, giữ vở sạch” được Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh hưởng ứng rất sôi nổi. Với học sinh bậc tiểu học, việc rèn chữ viết rất quan trọng. Thông qua rèn chữ còn rèn cho các em những đức tính tốt như: sự kiên trì, chỉn chu, cẩn thận và cả khả năng thẩm mỹ chính từ nhận thức trên, nhiều năm qua Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh đã đoạt được nhiều giải cao từ cấp huyện đến cấp tỉnh về phong trào “viết chữ đẹp, giữ vở sạch”.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc