Multimedia Đọc Báo in

Xứng đáng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật chất lượng cao

11:45, 16/05/2014

Bình quân mỗi năm đào tạo khoảng 3.000 sinh viên chính quy, Trường Đại học Tây Nguyên đã trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của khu vực Tây Nguyên và cả nước. Từ mái trường này, nhiều bác sĩ, kỹ sư, cử nhân… đã và đang đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng Tây Nguyên ngày càng phát triển.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Trong thư gửi lãnh đạo các tỉnh có trách nhiệm đối với Trường Đại học Tây Nguyên nhân dịp khai giảng niên khóa đầu tiên (11-11-1977), Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Trường Đại học Tây Nguyên ra đời là một sự kiện lịch sử đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Ngay từ ngày khai giảng, nhà trường phải cố gắng hoạt động tốt và ngày càng tốt hơn để xứng đáng với ý nghĩa và vị trí trọng đại: vừa là một trung tâm văn hóa, khoa học và kỹ thuật của Tây Nguyên, vừa là trung tâm đào tạo cán bộ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Tây Nguyên”. Qua gần 37 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đào tạo gần 30 nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ thuộc các khối ngành Nông-Lâm nghiệp, Chăn nuôi-Thú y, Sư phạm, Y tế; trong đó có gần 3.000 sinh viên dân tộc thiểu số. Những năm đầu mới thành lập Trường chỉ có 4 ngành đào tạo: Y, Trồng trọt, Lâm sinh và Chăn nuôi-Thú y, đến nay đã nâng lên 36 ngành ĐH và 8 ngành CĐ thuộc 8 khoa. PGS.TS Trần Quang Hân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: dẫu nguồn kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) không nhiều, nhưng mỗi năm trường đều dành trên 100 triệu đồng và có nhiều hoạt động thiết thực, bổ ích nhằm khơi dậy niềm đam mê NCKH cho sinh viên. Theo đó đã có hàng trăm đề tài NCKH các cấp được triển khai và nghiệm thu, có giá trị thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Từ năm 2002 đến nay, Trường đã triển khai nhiều đề tài NCKH các cấp, trong đó có trên 100 đề tài của sinh viên. Hầu hết các dự án, đề tài NCKH đã được ứng dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, đã và đang góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, đời sống dân sinh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục...

Đáng chú ý, các đề tài NCKH của sinh viên được tuyển chọn tham gia giải Quỹ Vifotex, phát minh Sony xanh đã đoạt 1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 1 giải Ba và 6 giải Khuyến khích. Không dừng lại ở đó, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật, gần đây Trường chủ động mở rộng quan hệ với các trường đại học, viện nghiên cứu ngoài nước để giảng viên, sinh viên có thêm cơ hội học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng; đồng thời tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy học và NCKH. Trường cũng đã triển khai gần 20 dự án với nước ngoài, trong đó nhiều chương trình, dự án có hiệu quả thiết thực đối với địa bàn Tây Nguyên như: các dự án hợp tác với ADB, Ford Foundation, Canada, Bỉ, Úc, Hà Lan, Thụy Điển….; dự án Việt Nam-Hà Lan của 8 trường đại học Y do Chính phủ Hà Lan tài trợ; chương trình Lâm nghiệp xã hội của Thụy Sĩ tài trợ. Kết quả của các chương trình, dự án không chỉ có giá trị trong khu vực Tây Nguyên mà còn được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Gần đây, Trường đã hợp tác với Trường Đại học Champasak (Lào) và có quan hệ hợp tác với Trường Đại học Chi Ba (Nhật Bản) và nhiều trường đại học Chonan, Suchon, Ajou của Hàn Quốc để trao đổi giảng viên, sinh viên và hợp tác NCKH.

Sinh viên khoa Chăn nuôi -Thú y thực tập tại Trạm xá Thú y  của Trường.
Sinh viên khoa Chăn nuôi -Thú y thực tập tại Trạm xá Thú y của Trường.

Tăng cường kỹ năng thực hành nghề nghiệp

Định hướng phát triển từ nay đến năm 2020 xác định rõ: “xây dựng Trường Đại học Tây Nguyên trở thành một trường đại học trọng điểm của khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh của khu vực Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung bộ và thực hiện các yêu cầu của Chính phủ Việt Nam trong vùng tam giác phát triển Lào - Campuchia - Việt Nam”.

Để đạt được mục tiêu đề  ra, nhà trường đang nỗ lực xây dựng đội ngũ giảng viên bảo đảm số lượng, chất lượng; phát triển các ngành đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy và đẩy mạnh  phát triển NCKH, hợp tác quốc tế. PGS.TS Trần Quang Hân phân tích: trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về nguồn tuyển sinh cũng như những đòi hỏi của xã hội đặt ra cho giáo dục đại học, nếu không tự đổi mới sẽ khó đứng vững để phát triển. Vì vậy nhà trường đang bổ sung, xây dựng hoàn thiện và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực khoa học - kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, tập trung cải tiến chương trình đào tạo theo hướng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người học, kết hợp lý luận gắn liền với thực tiễn. Nếu như trước đây sinh viên khối khoa học tự nhiên - kỹ thuật được đào tạo nặng về lý luận, thì nay tăng cường thời gian thực hành, quản lý thực hành bên ngoài xã hội đối với một số ngành có thế mạnh như: nông-lâm, y, chăn nuôi - thú y để sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ không bỡ ngỡ với công việc.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Diên, Trưởng Khoa Chăn nuôi - Thú y chia sẻ: “Kiến thức cung cấp cho sinh viên luôn được cập nhật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất như: con giống, thức ăn, tình hình dịch bệnh mới nổi và một số dịch bệnh lây truyền giữa động vật và người”. Sinh viên năm 3 có 15 tiết (tương đương 1 tín chỉ) thực tập rèn nghề, sinh viên năm 4 thực tập giáo trình tổng hợp 30 tiết. Trước khi ra trường, những sinh viên có học lực khá, giỏi sẽ làm khóa luận với khoảng thời gian 150 tiết (tuơng đương 10 tín chỉ) ở cơ sở sản xuất, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật, viện nghiên cứu về một đề tài khoa học hoặc một vấn đề cần giải quyết ở cơ sở. Theo lộ trình cải tiến chương trình đào tạo đang xây dựng, Khoa Chăn nuôi-Thú ý đã tăng thời gian thực hành nghề nghiệp lên 100% so với hiện nay để sinh viên có điều kiện thực hành nhiều hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển nhà trường từ nay đến năm 2012. Ngoài ra, nhà trường cũng đang nỗ lực trang bị cho sinh viên về trình độ ngoại ngữ, tin học, tác phong làm việc… để sau tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Ngoài đào tạo trình độ ĐH, CĐ, những năm gần đây Trường Đại học Tây Nguyên còn đào tạo sau đại học (trình độ thạc sĩ) 7 ngành; đang đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo trình độ tiến sĩ 2 ngành Lâm nghiệp và Khoa học cây trồng. Theo đó đã có 150 thạc sĩ các ngành Nông-Lâm nghiệp, Sinh học, Thú y, Ký sinh trùng-Côn trùng, Toán giải tích; 85 bác sĩ chuyên khoa cấp I nội, ngoại tổng quát… tốt nghiệp trở về các địa phương cống hiến tâm sức, trí tuệ. Ngoài ra, nhà trường còn liên kết với các trường đại học trong nước đào tạo được gần 500 thạc sĩ các ngành: Nông-Lâm nghiệp, Y, Ngôn ngữ, Sư phạm, tiếng Anh, Quản lý giáo dục, Kinh tế và Công nghệ thông tin.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc