Đôi điều về văn hóa giao tiếp trong trường học
Không gian trường học vốn là không gian văn hóa lành mạnh, đẹp đẽ. Trường học cũng là nơi truyền bá những nét đẹp văn hóa trong giao tiếp, ứng xử.
Hòa với phong trào xây dựng nếp sống văn hóa của toàn xã hội hiện nay, việc xây dựng các chuẩn mực về lời ăn tiếng nói, hành vi giao tiếp, ứng xử một cách mẫu mực trong các trường học sao cho văn minh, thanh lịch là vấn đề đang được đặt ra một cách cấp thiết.
Thực trạng giao tiếp trong trường học và vấn đề văn hóa học đường hiện nay đang diễn biến phức tạp. Điều đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó không thể không kể đến những tác động của kinh tế thị trường, sự chuyển biến của đời sống vật chất dẫn đến nhiều vẩn đục, lệch chuẩn về giao tiếp làm xuất hiện một số mặt trái ngoài ý muốn. Hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy, có cử chỉ suồng sã không phải là hiếm trong trường học. Những lời nói, hành vi thiếu văn hóa xuất hiện trong môi trường giáo dục là những hình ảnh xấu, thậm chí làm tổn hại đến danh dự trường lớp, thầy cô giáo. Đau lòng hơn nữa, có nhiều vụ việc như học sinh, sinh viên rượt đuổi, đánh đập thầy cô; giáo viên và học sinh cãi vã, hành hung nhau giữa lớp học khiến công an phải vào cuộc… Tất cả những điều đó cho thấy vấn đề rèn luyện lời ăn tiếng nói, hành vi ứng xử để bảo đảm sự ứng xử văn hóa, tạo nên nét văn minh, lịch sự trong nhà trường là một yêu cầu cần thiết hiện nay.
Để rèn luyện giao tiếp có văn hóa trong môi trường học đường, trước hết, mỗi nhà trường, cụ thể hơn là các giáo viên phải là những người gương mẫu thực sự trong lời ăn tiếng nói, hành động giao tiếp hằng ngày. Giáo viên là người trực tiếp thực thi nhiệm vụ cao quý “trồng người” cho xã hội; đồng thời chính nhân cách và đạo đức từ bản thân mình, người giáo viên là một tấm gương trong việc giáo dục tâm hồn cho học sinh như tôn trọng lẽ phải, tôn sư trọng đạo, nhờ đó mà hình thành sự giao tiếp văn hóa trong trường học. Các thầy cô lên lớp không chỉ để giảng kiến thức mà còn phải truyền thụ cho học sinh cách ứng xử thanh lịch qua lời giảng truyền cảm của mình. Ngoài ra, qua việc giao tiếp một cách thoải mái tự nhiên, không có tâm lý gò bó, áp đặt sẽ giúp các em học sinh hợp tác nhiều hơn, trao đổi với giáo viên một cách chân thành cởi mở hơn, đồng thời tạo điều kiện cho sự giao tiếp giữa thầy và trò càng trở nên thân thiện, dân chủ. Về phía học sinh, bản thân mỗi em cũng phải tự ý thức về trách nhiệm lời nói của mình, cần nhẹ nhàng, lễ phép trong giao tiếp, có hành vi ứng xử đúng mực trong mọi hành động của mình.
Giáo dục văn hóa giao tiếp trong trường học phải được tiến hành ở tất cả các cấp học, bậc học, ở mọi lúc, mọi nơi, có phương pháp và thật kiên trì mới có kết quả. Văn hóa giao tiếp trong trường học phản ánh trình độ giáo dục của nhà trường, tạo nên sự hứng khởi cho hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên. Lời ăn tiếng nói thanh lịch, hành vi ứng xử chuẩn mực và đúng đắn còn là yếu tố đưa mọi người xích lại gần nhau hơn, tạo nên mối quan hệ gần gũi, thân tình. Trong môi trường giáo dục như trường học, quan hệ giữa thầy với trò, giữa học sinh, sinh viên với nhau, điều ấy lại càng có thêm nhiều ý nghĩa.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc