Multimedia Đọc Báo in

Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi ở xã Ea Yiêng (Krông Pak): Nỗ lực từ nhiều phía

21:08, 23/08/2014

Với sự nỗ lực và kiên trì phấn đấu xã Ea Yiêng (huyện Krông Pak) - xã cuối cùng của Dak Lak đã được công nhận hoàn thành chương trình Phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTHĐĐT) mức độ 1. Đây là kết quả của sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở cơ sở.

Năm 2010 huyện Krông Pak được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia PCGDTHĐĐT mức độ 1 với 15/16 xã, thị trấn đạt chuẩn, duy nhất xã Ea Yiêng chưa đạt. Đây cũng là địa phương cuối cùng trong tổng số 184 xã, phường, thị trấn của Dak Lak chưa được công nhận đạt chuẩn quốc gia PCGDTHĐĐT (tính đến tháng 5-2014). Trước thực trạng trên, Huyện ủy Krông Pak đã ban hành Nghị quyết chuyên đề phấn đấu trong năm 2014 hoàn thành PCGDTHĐĐT đối với xã Ea Yiêng. Ông Huỳnh Hồng, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết: “Những năm 2011-2013, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xã Ea Yiêng diễn biến phức tạp, tà đạo Hà Mòn xâm nhập khiến nhiều học sinh bỏ học. Chính quyền địa phương, ngành giáo dục đã mất nhiều thời gian, công sức vận động, tuyên truyền để phụ huynh cho con em đi học trở lại”.

Theo Thông tư số 36/2009/TT-BGDĐT ngày 4-12 -2009 của Bộ GD-ĐT có 3 tiêu chuẩn chính để xét công nhận PCGDTHĐĐT là: học sinh, giáo viên và cơ sở vật chất trường học. Với xã Ea Yiêng cả 3 tiêu chuẩn trên đều có những tồn tại, bất cập. Để khắc phục những khó khăn này, cùng với việc tranh thủ các nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học; “xốc” lại tinh thần trách nhiệm, thái độ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường, ngành GD-ĐT và chính quyền huyện Krông Pak đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ huynh động viên con em đến trường chuyên cần, giảm thiểu tình trạng bỏ học giữa chừng. Nhờ những nỗ lực trên, đặc biệt sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, chỉ trong thời gian ngắn cơ sở vật chất trường lớp của xã đặc biệt khó khăn Ea Yiêng (với hơn 80% dân số là dân tộc Xê Đăng) đã khang trang hơn. Thầy Nguyễn Văn Ước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Núp-đơn vị được giao nhiệm vụ  PCGDTHĐĐT cho biết: “Trong tổng số 183 học sinh độ tuổi 11 chỉ có 54 em đang học lớp 5, số còn lại học ở các khối lớp 2, 3, 4. Nhà trường đã bố trí các em học tại 10 lớp, trung bình mỗi lớp khoảng 12 em để các thầy, cô giáo dễ kèm cặp, dạy dỗ, bởi hầu hết các em đều đi học muộn hơn nhiều so với độ tuổi nên có tâm lý xấu hổ, ngại tiếp xúc, kiến thức hổng, khả năng tiếp thu bài chậm”. 

Giờ học Toán của học sinh lớp linh hoạt Trường Tiểu học Đinh Núp.
Giờ học Toán của học sinh lớp linh hoạt Trường Tiểu học Đinh Núp.

Minh chứng cho thực tế đó, thầy Hiệu trưởng đưa chúng tôi tham quan một vòng qua các lớp, gặp gỡ các học sinh đặc biệt này. Những đôi mắt tròn xoe, ngơ ngác của những học trò dân tộc Xê Đăng nhìn người lạ, e thẹn lấy tay che miệng tủm tỉm cười. Đáp lại những câu hỏi của chúng tôi chỉ là những cái lắc đầu, gật đầu, chỉ đến khi thầy, cô giáo động viên thì các em mới lí nhí đáp vài từ gọn lỏn: dạ thích, dạ vui…cho thấy sự nỗ lực của các thầy cô giáo ở đây trong công tác vận động trẻ ra lớp, duy trì sĩ số bước đầu đã có kết quả. Đúng 10 giờ, tiếng trống báo hiệu hết giờ làm bài kiểm tra vang lên, các em nộp bài rồi ùa ra sân chơi. Lúc này, trên gương mặt các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Đinh Núp mới hết căng thẳng, thở phào nhẹ nhõm, trút gánh nặng đè trĩu đôi vai từ suốt học kỳ II của năm học trước đến nay, nhất là trong những tháng hè. Vừa đếm số lượng bài làm của các em, thầy giáo Đai, cán bộ phụ trách công tác PCGDTHĐĐT của xã vui mừng nói: “Tất cả 129 em bỏ học được huy động ra lớp đều đã làm bài kiểm tra. Ở những nơi đặc thù như thế này, số lượng chính là chất lượng”. Đây là cơ sở để huyện Krông Pak hoàn thành các thủ tục, đề nghị kiểm tra, công nhận xã đạt chuẩn PCGDTHĐĐT năm nay.

Ông Huỳnh Hồng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pak chia sẻ: Được công nhận PCGDTHĐĐT là điều đáng mừng, song để giữ vững được danh hiệu này là điều đáng lo bởi nhiệm vụ ở phía trước còn khá nặng nề. Vì vậy, từ nay đến năm 2020 ngành GD-ĐT huyện Krông Pak và chính quyền xã Ea Yiêng không chủ quan mà phải xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, bền bỉ; phải tiếp tục tổ chức điều tra, bổ sung, cập nhật số liệu về phổ cập giáo dục tiểu học hằng năm để tổ chức các lớp phụ đạo ngay từ đầu năm học, mở các lớp linh hoạt trong dịp hè; huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi ra lớp và học xong chương trình tiểu học; xây dựng các giải pháp chống lưu ban, bỏ học, nâng cao chất lượng giáo viên, tiếp tục đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa trường lớp, mua sắm đầy đủ trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa, sách giáo viên để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Về lâu dài, nhà trường cần được đầu tư cơ sở vật chất trường lớp để học sinh xã Ea Yiêng được học 2 buổi/ngày…

Từ những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định PCGDTHĐĐT  không chỉ là chuyện của riêng ngành Giáo dục, mà phải có sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, ý thức của người dân, trong đó ngành Giáo dục cần làm tốt việc tham mưu và phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, nhất là công tác điều tra, kiểm tra, đánh giá, tổ chức dạy học và duy trì sĩ số một cách bền vững.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc