Multimedia Đọc Báo in

Năm học 2014-2015: Tiếp tục giao quyền tự chủ cho các trường

16:56, 02/09/2014
Cùng với cả nước, hơn 450 nghìn học sinh (HS) tỉnh Dak Lak đang nô nức bước vào năm học 2014-2015. Đây là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình số 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Dak Lak về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Trước thềm năm học mới, Giám đốc Sở GD-ĐT PHAN HỒNG đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak xung quanh vấn đề này. 
 
    * Ngành Giáo dục đã có các bước chuẩn bị cần thiết, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới 2014 - 2015  và “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, thưa ông? 
Giám đốc Sở GD-ĐT Phan Hồng
Giám đốc Sở GD-ĐT Phan Hồng
 
Công tác chuẩn bị cho khai giảng năm học 2014-2015 được ngành Giáo dục triển khai từ rất sớm. Ngoài việc tham mưu để UBND tỉnh ban hành Khung thời gian năm học, Sở GD-ĐT đã quán triệt Chỉ thị 3008, ngày 18-8-2014 của Bộ GD-ĐT về nhiệm vụ trọng tâm của từng bậc học năm học 2014-2015 đến các phòng GD-ĐT, đơn vị trực thuộc. Cùng với các hoạt động chuyên môn khác, Ngành tập trung chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa và các tài liệu khác cho năm học. Trong đó các địa phương đã đầu tư 26 tỷ đồng xây dựng mới 61 phòng học (vốn xã hội hóa khoảng 638 triệu đồng); các đơn vị trực thuộc Sở đầu tư 43 tỷ đồng xây dựng mới, sửa chữa phòng học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, nhà công vụ giáo viên, nhà vệ sinh... Tại thời điểm này, toàn tỉnh có 981 trường (tăng 10 trường so với năm học trước), 15.405 phòng học, 450.326 HS các cấp, trong đó khoảng 150 nghìn em HS dân tộc thiểu số. Năm học này, Ngành tiếp tục ưu tiên 14 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị cho bậc học mầm non (MN), 4 tỷ đồng mua thiết bị dạy học ngoại ngữ. Ngoài ra, các trường cũng đã cấp phát sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập cho 137.895 HS được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49, Nghị định 74 của Chính phủ và học sinh dân tộc thiểu số, với kinh phí 53,58 tỷ đồng. Có thể nói, các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm tốt các điều kiện cần thiết nhất cho năm học mới; thầy cô giáo và các em HS đang có được tâm thế tốt nhất cho năm học.
 
    *Đội ngũ giáo viên quyết định hiệu quả “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, đến nay, tiền đề thực hiện việc đổi mới này ở Dak Lak đã vững chắc chưa?
 
Chuẩn bị cho năm học 2014-2015, bên cạnh đầu tư trường lớp, trang thiết bị, dụng cụ học tập, ngành Giáo dục đã xét tuyển 151 viên chức ngạch giáo viên năm học 2013-2014, nâng lương trước thời hạn 219 trường hợp, đồng thời bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cán bộ quản lý giai đoạn 2015-2020. Toàn Ngành hiện có 37.557 cán bộ, công nhân viên, tăng hơn 1.700 người so với năm học trước, với gần 100% giáo viên (GV) đứng lớp đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ GV trên chuẩn bậc MN là 42,8%, TH 71,51%, THCS 62,87%, THPT 7,75%, GDTX 5,79%, GDCN 15,02%. Để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, ngay đầu hè năm 2014, ngành GD-ĐT đã tích cực tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin vào giảng dạy; bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học; nghiệp vụ tư vấn tâm lý; nghiệp vụ thư viện; y tế học đường; đặc biệt chú trọng bồi dưỡng việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, chú trọng rèn luyện kỹ năng tư duy, phát triển năng khiếu, giáo dục kỹ năng sống cho HS... 
 
Học sinh Trường THCS Cư Drăm (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) sẵn sàng bước vào năm học mới 2014-2015
Học sinh Trường THCS Cư Drăm (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) sẵn sàng bước vào năm học mới 2014-2015
   
  * Giáo dục phổ thông sẽ có nhiều đổi mới trong năm học này, vậy ngành Giáo dục của tỉnh đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục như thế nào, thưa ông?  
 
Năm học 2014-2015, ngành GD-ĐT chung sức, tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; tăng cường nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Thực ra, việc đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đã được thực hiện trong vài năm học gần đây, nhất là năm học 2013-2014 và đã đem lại hiệu quả nhất định. Bằng chứng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm học 2013-2014 của tỉnh đạt 97,98% (tăng 2% so với năm học trước), trong đó tỷ lệ HS tốt nghiệp loại Giỏi, Khá chiếm 12,54%. Điều này khẳng định hướng đi đúng của ngành Giáo dục khi giao quyền chủ động cho các trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Vì vậy, năm học 2014-2015, các trường phổ thông tiếp tục được giao quyền tự chủ trong xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của nhà trường, hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra, đánh giá. 
 
    *Xin cảm ơn ông! 
Gia Nguyên (thực hiện) 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.