Vài suy nghĩ trước thềm năm học mới
Thầy và trò Trường THPT Thực hành Cao Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) trong ngày khai giảng năm học mới 2014-2015. |
Ngày 4-11-2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Một trong những quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là tập trung chuyển từ chủ yếu quan tâm trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học, kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy người và dạy nghề; chuyển từ chủ yếu quan tâm phát triển quy mô sang bảo đảm phát triển cả quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục; xây dựng một nền giáo dục thực học, thực hành, thực nghiệp, trong đó mọi người dân đều có cơ hội học tập suốt đời trong một xã hội học tập. Để triển khai Nghị quyết này, người đứng đầu ngành Giáo dục đã đặt ra yêu cầu ngành cần vượt qua nhận thức, tâm lý và thói quen cũ đã tồn tại dai dẳng trong nhiều năm; thay đổi từ tư duy, nhận thức về mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra – đánh giá, thi cử cho đến đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; thay đổi và tổ chức lại từ bộ máy, chương trình đến phương pháp dạy học trong các trường sư phạm…
Có thể nói rằng, Nghị quyết số 29-NQ/TW chính là “chiếc gậy chỉ đường” cho những đổi mới, cải cách trong giáo dục. Thế nên, chúng ta có quyền hy vọng, khi những đề xuất đổi mới được áp dụng vào thực tiễn thì nền giáo dục-đào tạo sẽ thực sự thay đổi để đào tạo ra những nhân tài toàn diện cả về kiến thức và nhân cách đóng góp vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước. Chỉ có điều, những đề xuất ấy phải xuất phát từ thực tâm vì sự nghiệp giáo dục chứ không phải từ nhân danh “đổi mới” giáo dục.
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc