Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học: Cần vận dụng nhiều "kênh'' nhận xét kết hợp với đánh giá của giáo viên
09:56, 28/10/2014
Từ ngày 15-10-2014, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện đánh giá học sinh (HS) theo Thông tư 30, ngày 28-8-2014 của Bộ GD-ĐT. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với bà THÁI THỊ MỸ BÌNH, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) về việc triển khai Thông tư này.
Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) Thái Thị Mỹ Bình |
+ Ngành Giáo dục tỉnh đã có sự chuẩn bị như thế nào cho việc tiếp nhận Thông tư 30, thưa bà?
Ngành Giáo dục Dak Lak đã có sự chuẩn bị từ trước nhằm triển khai thực hiện hiệu quả việc đánh giá HS tiểu học theo nội dung Thông tư 30. Vì vậy, ngay sau Hội nghị tập huấn do Bộ GD-ĐT tổ chức (với sự tham gia của 32 cán bộ cốt cán của Sở và 15 phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố), Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực đánh giá HS tiểu học cho 452 lãnh đạo, chuyên viên phụ trách giáo dục tiểu học của các phòng GD-ĐT, cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường tiểu học, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật và Ban nghiên cứu giáo dục HS dân tộc tỉnh. Đây là một cố gắng lớn của ngành Giáo dục với mong muốnThông tư 30 được chuyển tải sâu sát đến cơ sở, chất lượng hơn. Trên cơ sở chỉ đạo của Sở GD-ĐT, các phòng GD-ĐT tùy điều kiện thực tế, tổ chức tập huấn theo cấp huyện, cụm trường hoặc cấp trường. Đến ngày 15-10, tất các các phòng GD-ĐT đã hoàn thành kế hoạch tập huấn cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học. Trước đó, ngày 14-10, Sở GD-ĐT cũng đã ban hành Công văn số 1272 chỉ đạo tất cả các trường tiểu học trên toàn tỉnh đồng loạt triển khai đánh giá HS tiểu học theo Thông tư này từ ngày 15-10.
+ Là tỉnh miền núi, có đông học HS dân tộc thiểu số, việc thay đổi về cách đánh giá này có gây xáo trộn cho các trường cũng như giáo viên, thưa bà?
Không riêng tỉnh Dak Lak mà hầu hết các địa phương, việc triển khai đánh giá HS tiểu học theo Thông tư 30 bước đầu cũng gây những xáo trộn cho các nhà trường, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Trước hết là xáo trộn về mặt tâm lý khi tiếp nhận cái mới. Từ trước đến nay, giáo viên, phụ huynh, HS đã quá quen với việc chấm điểm, coi điểm số là một trong những thước đo để đánh giá nhận thức, kỹ năng của HS trong cả quá trình học tập. Vì vậy, việc không còn chấm điểm mà chỉ ghi nhận xét trong đánh giá thường xuyên đối với HS dẫn đến những băn khoăn, thậm chí có những ý kiến trái chiều. Kỹ năng đánh giá HS bằng nhận xét không phải ngày một ngày hai mà thuần thục; hồ sơ đánh giá thay đổi, áp lực lớn vì phải nhận xét nhiều học trò…là những khó khăn bước đầu đối với giáo viên, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và cần có cả thời gian để làm quen. Hơn nữa, việc thực hiện đánh giá HS tiểu học theo Thông tư khá cập rập, khi đã bước vào năm học 2014-2015, trong khi Bộ GD-ĐT lại chưa có văn bản hướng dẫn chính thức, do đó nhiều cán bộ quản lý, giáo viên vẫn còn băn khoăn, vừa làm vừa chờ đợi.
Giáo viên Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (TP. Buôn Ma Thuột) hướng dẫn học sinh tự kiểm tra, đánh giá kết quả học tập |
Đối với Dak Lak - một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, với gần 40% HS tiểu học là người dân tộc thiểu số, thì việc thực hiện đánh giá (trong đó có cả tự đánh giá của HS và đánh giá của phụ huynh học sinh) là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, năm học 2013-2014 vừa qua, 74 trường tiểu học tham gia Dự án GPE-VNEN và 12 trường tiểu học nhân rộng theo Mô hình trường học mới đã thực hiện đánh giá HS theo Công văn 5737 của Bộ GD-ĐT, nên đã làm quen với cách đánh giá bằng nhận xét theo đúng tinh thần Thông tư 30. Chưa kể, cũng trong năm học vừa qua, Dak Lak đã đi trước một bước là đổi mới đánh giá học sinh lớp 1 theo hướng nhận xét, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh theo định hướng của Bộ GD-ĐT, do đó hầu hết các trường tiểu học đã được “làm quen” với việc đổi mới này. Dẫu còn nhiều băn khoăn, nhưng việc đổi mới đánh giá HS là cần thiết, nhằm giảm áp lực cho HS, phụ huynh HS, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục. Điều quan trọng là phải hiểu đúng tinh thần Thông tư 30, nếu hiểu đúng thì sẽ thấy không quá khó khăn để thực hiện việc đổi mới đánh giá.
+Nhiều người lo ngại, khi áp dụng hình thức đánh giá HS bằng nhận xét thì khó biết chính xác năng lực học tập của các em một cách khách quan, công bằng, bởi không phải giáo viên nào cũng đủ năng lực. Bà nghĩ như thế nào về lo ngại trên?
Tôi hoàn toàn chia sẻ những băn khoăn, lo ngại trên. Tuy nhiên, việc đánh giá HS không chỉ hoàn phụ thuộc vào giáo viên (dù đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất), mà còn có sự tham gia tự đánh giá của HS và cha mẹ các em, tức là vận dụng nhiều “kênh" nhận xét khác nhau. Mặt khác, khi đánh giá HS hoàn thành chương trình học hay chưa hoàn thành, phải xem xét toàn diện trên nhiều yếu tố. Bên cạnh đánh giá thường xuyên bằng nhận xét HS hoàn thành/chưa hoàn thành các môn học trong chương trình theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; nhận xét HS đạt/chưa đạt về phẩm chất và năng lực cần có, thì còn một yếu tố nữa là điểm kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học của một số môn học trong chương trình (Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên xã hội, Khoa học, Lịch sử - Địa lý,…). Như vậy, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 không hoàn toàn chỉ là định tính, cần coi trọng việc đánh giá cả quá trình học tập của các em để từ đó biết được HS đạt kết quả bằng cách nào. Đây chính là nguyên tắc “đánh giá vì sự tiến bộ của HS; coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của HS; không gây áp lực cho HS và cha mẹ HS” .
Việc đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của HS còn giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học của mình; kịp thời có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của HS; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học. Điều quan trọng là giáo viên phải dựa vào mục tiêu bài học, đối chiếu sản phẩm đạt được theo cách học của HS; xem xét, cân nhắc các đặc điểm tâm sinh lý, hoàn cảnh… của HS để có nhận xét xác đáng, kịp thời, sao cho khích lệ được HS, làm cho các em hứng thú học tập; đồng thời còn phải tư vấn, hướng dẫn giúp các em biết được những hạn chế và biết tự mình khắc phục. Tất cả những điều đó đòi hỏi các thầy, cô giáo phải có năng lực đánh giá, có trách nhiệm, đạo đức, lòng tự trọng nghề nghiệp để việc đánh giá thực sự công bằng, khách quan, phản ánh đúng năng lực, phẩm chất cũng như quá trình, kết quả học tập, phấn đấu của các em HS.
Bất kỳ sự đổi mới nào cũng phải đối mặt với những thách thức, khó khăn, việc triển khai thực hiện Thông tư 30 cũng vậy. Ngoài sự cố gắng của đội ngũ giáo viên, rất cần thiết phải có sự chỉ đạo thống nhất. Bộ GD-ĐT phải ban hành hướng dẫn cụ thể để việc triển khai các nội dung của Thông tư thống nhất ở tất cả các nhà trường, các địa phương. Về phía Sở GD-ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, tư vấn vấn để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ các trường trong quá trình thực hiện; đồng thời chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên.
+Xin cảm ơn bà!
Nguyên Hoa
(thực hiện)
Ý kiến bạn đọc