Multimedia Đọc Báo in

Đừng để "gạo đã nấu thành cơm"!

17:39, 10/10/2014
Ngày 2-10-2014, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký văn bản hỏa tốc số 5453 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục.
 
Công văn nêu rõ: thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, các quy định hiện hành về thu góp, đồng phục học sinh được thực hiện nghiêm túc trong hầu hết các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, qua phản ánh của báo chí và nhân dân, ở một số cơ sở giáo dục vẫn xảy ra việc thu góp trái quy định, ép buộc học sinh may (mua) quần áo đồng phục gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Một  tiết học  tại  Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Krông Pak   (Ảnh:  minh họa)
Một tiết học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện Krông Pak (Ảnh: minh họa)

Không ít phụ huynh, học sinh, kể cả những người công tác trong  ngành Giáo dục đọc công văn này băn khoăn, tự hỏi: Tại sao Bộ GD-ĐT không chỉ đạo việc này khi năm học 2013-2014 sắp kết thúc hoặc trước ngày tựu trường năm học mới, như vậy sẽ hạn chế được tình trạng lạm thu, bắt ép học sinh may (mua) quần áo đồng phục, thay vì chỉ đạo một việc đã rồi. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngày 15-8, học sinh phổ thông tựu trường năm học 2014-2015, ngày 18-8 học chính thức. Để chuẩn bị cho năm học mới, các trường, phụ huynh học sinh phải chuẩn bị cơ sở vật chất, quần áo đồng phục trong tháng 8. Chưa vội bàn về các khoản đóng góp, chỉ xin kể vài mẩu chuyện nho nhỏ liên quan đến quần áo đồng phục như một sự chia sẻ với phụ huynh. Cách đây hơn một tháng, sau giờ tan sở, tôi vội vàng phóng xe đến một cửa hàng may sẵn quần áo đồng phục học sinh trên đường Lê Hồng Phong (TP. Buôn Ma Thuột) theo chỉ dẫn của nhà trường để mua một chiếc áo khoác đồng phục cho học sinh lớp 6. Cũng như tôi, có nhiều bậc phụ huynh đang cố lựa cho con quần áo đồng phục theo đúng quy định của trường. Chị Trần Thị V. có con học lớp 3, nói: “Chỗ làm cách nhà hơn chục cây số nên phải đi làm từ sáng sớm, tối mịt mới về, do đó không thể đến đúng giờ cửa hàng mở cửa để mua đồng phục cho con”. Tôi buột miệng hỏi: “Sao chị không đến thợ may mà may”. Vị phụ huynh này trả lời: “Như vậy càng lâu, chưa chắc đã rẻ bằng hàng may sẵn, chưa kể chắc gì đã may đúng quy cách, mẫu mã quy định của trường”. Cũng tại cửa hàng bán đồng phục may sẵn trên, tôi lại gặp một phụ huynh có con học lớp 8 đang lục tìm ở nhiều dãy đồ treo sẵn để lựa chọn cho con một chiếc áo khoác đồng phục phù hợp. Sau gần 30 phút lựa, thử áo khoác, vị phụ huynh phát cáu, miệng không ngớt lẩm bẩm: “Đồng với chả phục, chỉ tội hành phụ huynh”. Hỏi cô bán hàng mới biết, đây là lần thứ 3 vị phụ huynh này tới cửa hàng đổi áo khoác đồng phục cho con chỉ vì không tìm được cỡ áo phù hợp. Nhìn vẻ mặt cậu con trai tiu nghỉu, chị quay sang dỗ dành: “Về con nhé! Cuối tuần mẹ lại chở ra lựa chiếc khác”. Cậu bé mếu máo: “Không biết đâu, tuần này mà không có áo, đội cờ đỏ lại ghi tên, trừ điểm thi đua của lớp, cô giáo chủ nhiệm lại mắng và phạt nữa cho coi!”… Hay như đầu năm học mới, cô bé hàng xóm nhà tôi, học lớp 7 chia sẻ “kinh nghiệm” với cậu em họ chuẩn bị vào lớp 6 cùng trường về những vật dụng cần thiết cho năm học mới, đó là: ngoài sách giáo khoa, vở viết, bút, mực, nhớ dặn mẹ mua hai chiếc khăn quàng. Nếu chẳng may bị mất vẫn còn chiếc dự phòng, vì khăn quàng có in tên trường không có bán ở ngoài… Chưa hết, trường này còn quy định hết sức vô lý là học sinh phải mặc áo khoác (áo gió) vào chiều thứ 2, dù trời có nắng nóng …

Việc học sinh mặc đồng phục đến trường là quy định đúng đắn nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các em đối với nhà trường, tạo nét thẩm mỹ, tuy nhiên, không vì “thương hiệu” mà quy định mỗi trường một kiểu đồng phục, một kiểu áo khoác riêng, khăn quàng riêng... gây tốn kém, khó khăn cho phụ huynh học sinh. Ngoài ra, việc mặc đồng phục còn tùy thuộc vào khí hậu, thời tiết các vùng, miền, căn cứ vào điều kiện của nhà trường, có tham khảo hội cha mẹ học sinh… Do đó, Bộ GD-ĐT nên có văn bản chỉ đạo các tỉnh trong việc thực hiện các chủ trương này khi năm học mới chưa bắt đầu, tránh tình trạng "gạo đã nấu thành cơm"....

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.