Tiếp sức học sinh vùng khó đến trường
Không phát triển mạnh mẽ như các tỉnh miền núi phía Bắc hay một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, nhưng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (DTBT) của tỉnh đã và đang huy động học sinh ra lớp, tạo điều kiện góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, huyện Krông Buk) - là một trong 3 trường phổ thông DTBT của tỉnh. Nếu như 2 trường phổ thông DTBT của huyện M’Drak chỉ có một cấp học, thì Trường Bùi Thị Xuân có cả cấp tiểu học và trung học cơ sở. Năm học 2014-2015, trường có 291 học sinh (HS), trong đó có 149 em được hưởng chế độ bán trú theo Quyết định 85 của Chính phủ với mức hỗ trợ 420.000 đồng. Cô Trương Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với đặc thù của một xã đặc biệt khó khăn, có đông HS dân tộc thiểu số, mô hình trường bán trú dân nuôi sẽ giải quyết được những khó khăn trong việc huy động trẻ ra lớp, duy trì sĩ số, giúp các em sinh hoạt, học tập tốt hơn. Ngoài chế độ chính sách của Nhà nước, để nâng cao chất lượng bữa ăn cho các em, nhà trường huy động phụ huynh đóng góp mỗi tháng 200 nghìn đồng/HS. Ngoài ra, để thực hiện tốt mô hình bán trú, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công cán bộ quản lý, giáo viên kiểm tra, hướng dẫn HS thực hiện theo nội quy. Điều đáng mừng, qua 3 năm tổ chức nuôi dạy bán trú, tỷ lệ các em nghỉ học giữa chừng giảm đáng kể. Kết thúc năm học 2013-2014, cả hai cấp học chỉ có 10 em bỏ học (gồm 8 em THCS và 2 em TH). Đặc biệt, năm học vừa qua, lần đầu tiên trường có HS giỏi cấp huyện và HS đoạt giải Toán qua mạng Internet”. Em H’Riăng Kbuôr, HS lớp 6 nói: “Nhà ở cách trường 7 km, hằng ngày bố mẹ phải đưa đến trường. Hôm nào bố mẹ bận đi rẫy, em phải tự đi đến trường, những hôm trời mưa to đành nghỉ học. Còn bây giờ được ở lại trường, nên em không phải lo lắng chuyện đi về nữa. Hai chị em học cùng trường, được bố trí ở nội trú chung một phòng nên em có thể chăm sóc cho em gái thay cho bố mẹ”. Còn em Lê Huỳnh Thị Diễn (lớp 8A), ở buôn Ea Káp - cách trường 9 km cho biết: “Ở bán trú được thầy cô giáo kiểm tra bài thường xuyên hơn và được trao đổi với bạn bè nhiều hơn nên có cơ hội nói tiếng phổ thông, vốn từ tiếng Việt cũng khá hơn”.
Bồi dưỡng học sinh tham dự Cuộc thi tiếng Anh qua mạng Internet tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin, huyện Krông Buk). |
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc