Multimedia Đọc Báo in

Để thao giảng, dự giờ đạt hiệu quả cao

20:11, 29/11/2014
Thao giảng, dự giờ là hoạt động giáo dục thường xuyên và rất quan trọng của tất cả các cấp học nhằm kiểm tra, đánh giá trình độ giáo viên, học sinh.
 
Tuy nhiên có không ít trường hợp thao giảng, dự giờ chỉ mang tính hình thức, đối phó. Điều này được thể hiện ở việc hầu như các tiết dự giờ, thao giảng đều được thông báo và đăng ký trước. Cả thầy lẫn trò đều có sự chuẩn bị trước rất chu đáo, từ khâu bài giảng đến câu hỏi học sinh trả lời, đây là điều rất tốt. Thế nhưng nhiều giáo viên sợ tiết dạy không đạt, gây mất uy tín nên thường giao nhiệm vụ cụ thể cho từng học sinh trả lời các câu hỏi, làm cho tiết học trở thành máy móc, khuôn mẫu, thiếu sinh động. Chưa kể, giáo viên tham gia dự giờ đánh giá đồng nghiệp của mình còn mang tính cả nể sợ mất lòng nhau. Mặt khác, khi thao giảng, nhiều giáo viên lại chọn những lớp dẫn đầu các khối. Bởi những lớp học này có nhiều học sinh ưu tú, hăng phát biểu, dễ thảo luận… Các lớp học yếu hơn thì ít khi giáo viên chọn để thao giảng vì dễ “cháy” giáo án, học sinh thụ động. Chính vì vậy, những lớp học khá, giỏi được chọn nhiều, có lúc tần suất lên đến hai, ba tiết liền làm cho học sinh mệt mỏi vì chuẩn bị bài quá nhiều.

Để công tác thao giảng, dự giờ đạt hiệu quả cao, hằng năm hoặc từng học kỳ cần phải xây dựng kế hoạch thao giảng, dự giờ ở cấp tổ, cấp trường. Kế hoạch phải luân phiên, xen kẽ giữa giáo viên trẻ và giáo viên lâu năm có nhiều kinh nghiệm để họ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Có như vậy giáo viên sẽ luôn tự làm mới chính bản thân mình, tránh được tâm lý e ngại, ì ạch sáo mòn trong việc giảng dạy. Bên cạnh đó, việc đánh giá tiết thao giảng cần phải nhận xét, trao đổi thẳng thắn, chân tình để đồng nghiệp của mình thấy được ưu điểm và khuyết điểm, từ đó điều chỉnh cách dạy sao cho phù hợp. Việc đánh giá phải căn cứ trên nhiều mặt: kiến thức, phương pháp, phong cách giảng dạy của giáo viên; khả năng tiếp thu kiến thức, ý thức thái độ học tập của học sinh…

Thao giảng, dự giờ như thế nào để tránh được căn bệnh hình thức, đối phó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học là vấn đề đòi hỏi mỗi giáo viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt phải đặt chữ tâm lên hàng đầu.

Ngô Mã Thiên

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.