Ngày 20-11 của thầy cô giáo vùng sâu
Dạy học ở địa bàn còn nhiều khó khăn, các thầy cô giáo ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới năm nào cũng đón Ngày Hiến chương các nhà giáo rất đơn giản, thường là “không hoa, không quà”. Với họ, niềm vui và quà tặng lớn nhất chính là sự chuyên cần và chất lượng học tập của học sinh…
Giờ học của Trường Mầm non Hoa Sim tại điểm thôn 9, xã Cư Króa, huyện M’Drak. |
Ngày Hiến chương các nhà giáo năm nay, cũng như mọi năm, thầy Võ Ngọc Quế, giáo viên điểm trường thôn 9 của Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (xã Cư Króa, huyện M’Drak) lại vượt gần 30 km ra trung tâm xã dự tọa đàm, giao lưu và tranh thủ ra thị trấn huyện uống ly cà phê rồi về... trùm chăn ngủ lấy sức để chuẩn bị cho buổi lên lớp ngày mai. Thầy Quế đã có đến 7 năm gắn bó với điểm trường xa xôi này, từ ngày những lớp học tại đây vẫn còn tranh tre, nứa lá và thầy cô phải vượt sông bằng bè để đến trường. Nay thì các phòng học đã được xây dựng kiên cố hơn, qua sông cũng đã có cầu song khó khăn ở điểm trường này vẫn còn vô vàn, nhất là việc đi lại vào mùa mưa lũ và những vất vả trong việc nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Thầy Quế cho biết: Năm nay điểm trường có 7 lớp với khoảng 200 học sinh, 100% các em đều là người Mông, đa số có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Rào cản về ngôn ngữ khiến nhiều em tiếp thu chậm nên việc giảng dạy hết sức vất vả, các thầy cô giáo phải giảng bài thật chậm, kiên trì nhắc đi nhắc lại để các em hiểu và nắm bắt được kiến thức. Bù lại, phần đông các em rất ham học và đi học chuyên cần dù nhiều em ở xa, phải cơm đùm cơm nắm đi học từ mờ sáng. Thương học sinh vùng khó, thầy cô giáo ở điểm trường đều xem các em như con của mình, sẵn sàng múc nước gội đầu, rửa chân khi thấy các em lấm lem bùn đất đến trường hay giúp đỡ các em làm giấy khai sinh để làm hồ sơ nhập học... Chẳng mong được nhận hoa, nhận quà ngày 20-11, niềm vui của các thầy cô giáo nơi đây chỉ đơn giản là học sinh thuộc bài, thấy phụ huynh chủ động đến xin cho con đi học hoặc lâu lâu được phụ huynh mời đến nhà... uống rượu để hỏi han chuyện học của con.
Cũng như nhiều đồng nghiệp ở các địa bàn vùng sâu vùng xa khác, các thầy cô giáo ở Trường THCS Nguyễn Thị Định thuộc xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp) đã quen với chuyện “không hoa, không quà” trong ngày lễ 20-11.
Thầy Võ Viết Khoa, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Trường có 8 lớp với 152 học sinh, trong đó 75% học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, đa số là con em các gia đình từ Bến Tre, Thanh Hóa di cư vào làm kinh tế mới nơi vùng biên này. Ở nhiều gia đình, cái ăn còn chưa đủ nên việc cho con em đến trường là một nỗ lực rất lớn của họ. Bởi thế, với thầy cô giáo nhà trường, học sinh đến lớp đầy đủ, chuyên cần, học hành tiến bộ là niềm vui lớn nhất trong ngày 20-11 cũng như mọi ngày trong cả năm học”. Được sự đầu tư của Nhà nước, từ 3 năm qua, Trường THCS Nguyễn Thị Định đã xây dựng được 12 phòng học và 6 phòng bộ môn kiên cố, khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Để vận động học sinh đến trường và góp phần hỗ trợ các em, nhà trường còn trích quỹ mua cặp sách tặng các em có hoàn cảnh khó khăn vào đầu năm học; vận động các nhà hảo tâm tâm tặng cặp sách, xe đạp, đồ dùng học tập cho học sinh. Nhờ vậy, việc duy trì sĩ số của trường vẫn được bảo đảm, chất lượng học tập của học sinh được nâng lên với tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt khoảng 30%.
Có thể nói, “tận tâm, yêu nghề, mến trẻ” là điểm chung của các thầy cô giáo đang dạy học tại các trường vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Dù điều kiện dạy và học còn nhiều thiệt thòi, thiếu thốn, dù không được học sinh tặng hoa, tặng quà mỗi dịp 20-11 song các thầy cô giáo đều dành hết tâm sức mang kiến thức đến cho học sinh với mong muốn các em sẽ có tương lai xán lạn hơn. Xin gửi đến các thầy cô những đóa hoa tươi thắm nhất, như một lời tri ân nhân ngày lễ của các nhà giáo.
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc