Trái chín đầu mùa
“Làm nghề giáo hạnh phúc nhất là cùng học trò sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống, dạy cho các em những điều hay ý đẹp, đưa các em đi đến những chân trời rộng mở. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo”, cô Đậu Thị Hiền, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tự hào nói.
Thấm thoát đã 12 năm, cô Hiền gắn bó với mái trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ). Chừng ấy thời gian chưa phải là quá dài với sự nghiệp “trăm năm trồng người”, nhưng đủ để trải nghiệm về những vất vả, nhọc nhằn mà vẫn đong đầy niềm vui của nghề “chèo đò thầm lặng”. Có một kỷ niệm khó quên mỗi khi nhớ về, cô Hiền lại thấy nao nao cảm xúc, sống mũi cay cay. Chuyện là, cách đây nhiều năm, lớp do cô Hiền chủ nhiệm có một HS nam cá biệt tên G. Em này thường xuyên nghỉ học không lý do, đánh nhau, chửi thề…., khiến nhiều thầy, cô giáo cảm thấy bất lực. Có hôm đến lớp, G. mặc một chiếc quần Jeen rách đầu gối, thậm chí ngủ gục trong giờ học môn Lịch sử. Cô giáo đánh thức, em cộc lốc đáp: “Việc cô dạy thì cứ dạy, em ngủ mặc em”. Thái độ thiếu lễ phép của G. đã làm cô giáo dạy Lịch sử bật khóc. Chưa hết, giờ học môn tiếng Anh hôm sau, em lại mang điện thoại ra chơi, thầy giáo thu điện thoại để lên bàn rồi dạy tiếp. G tiếp tục nói chuyện gây mất trật tự, thầy mời G. ra khỏi lớp. Khi đi qua bàn giáo viên, G. thản nhiên “nhón” luôn chiếc điện thoại của mình. Lần này, cô Hiền không còn đủ kiên nhẫn, trong giờ sinh hoạt, cô cảnh cáo G. trước lớp, đồng thời đề nghị Ban Chấp hành Đoàn trường cảnh cáo G. trước cờ và mời phụ huynh lên làm việc.
Cô Hiền chuyện trò định hướng cho học sinh về nghề nghiệp tương lai. |
Sau lần đó, G. trầm tĩnh hơn, học tập tiến bộ rõ rệt. Cuối năm lớp 12, G. đã tốt nghiệp, thi đỗ Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải. Hiện, G đã có việc làm ổn định. Ngày Hiến chương Nhà giáo (20-11) và Tết Nguyên đán, G. đều gọi điện thoại hoặc về thăm cô giáo chủ nhiệm bậc THPT của mình.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc