Multimedia Đọc Báo in

Cần phát huy vai trò của tổ chủ nhiệm ở trường học

15:14, 05/12/2014
Giáo viên chủ nhiệm lớp ở các cấp học có vai trò đặc biệt quan trọng trong vị trí là cầu nối giữa học sinh, phụ huynh với nhà trường.
 
Thế nhưng, trên thực tế, mặc dù ở các trường học đã có đầy đủ các tổ chuyên môn phục vụ cho hoạt động chuyên môn của nhà trường, nhưng lại chưa đồng bộ trong việc thành lập tổ chủ nhiệm dành riêng cho công tác giáo viên chủ nhiệm lớp. Ở một số trường THCS và THPT đã thành lập tổ chủ nhiệm, nhưng đa số các trường không thực hiện hoạt động của tổ này thường xuyên và chỉ mang tính hình thức. Một điều dễ nhận thấy là, những trường mới được thành lập và trường ở vùng sâu, vùng xa khá chú trọng đến hoạt động của tổ chủ nhiệm, còn các trường đã ổn định, vững vàng về mọi mặt thì lại ít quan tâm và cho rằng thành lập thêm chỉ thêm phiền hà, khó quản lý…
 
Trong phạm vi một trường học, nếu không có tổ chủ nhiệm thì các giáo viên chủ nhiệm sẽ khó thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc quản lý và duy trì tốt hoạt động của lớp chủ nhiệm. Mặc dù hằng tuần, hiệu trưởng nhà trường triển khai công tác, nhưng đó chỉ là công tác chung gồm các hoạt động trong tuần chứ không dành riêng nhiều cho công tác chủ nhiệm. Do vậy, tính đồng bộ và việc đánh giá rút kinh nghiệm cũng như giao lưu giữa các giáo viên chủ nhiệm chưa cao. Hầu hết, giáo viên chủ nhiệm thực hiện nhiệm vụ của mình bằng những kinh nghiệm vốn có. Ai có nhiều kinh nghiệm thì làm tốt, còn giáo viên trẻ mới bước vào nghề thường sẽ gặp nhiều lúng túng, trăn trở. Điều đó dẫn đến mặt bằng giữa các lớp chênh lệch. Thực tế cho thấy, giờ sinh hoạt lớp trong phạm vi một trường học thường được các giáo viên làm theo cách riêng của mình vì không có sự thống nhất chung giữa giáo viên các lớp. Có giáo viên tổ chức rất tốt nhưng có giáo viên lại tổ chức hời hợt, qua loa cho xong. Hoặc khi có một điển hình, kinh nghiệm hay, giáo viên chủ nhiệm khó lòng chia sẻ với các giáo viên khác; đồng thời cũng không có điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Hằng tháng, nếu không có tổ chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm ít có điều kiện để đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm của lớp mình và thường chỉ căn cứ theo điểm số thi đua của lớp qua việc tổng kết của Ban thi đua nhà trường do Đoàn thanh niên đảm nhận.

Ở một số trường đã có chủ trương thành lập tổ chủ nhiệm nhưng việc thành lập và hoạt động của tổ này chưa đúng quy cách và hoạt động chưa thường xuyên. Tổ trưởng của tổ chưa được thống nhất rõ ràng: có trường hiệu trưởng là tổ trưởng, có trường do hiệu phó phụ trách, có trường lại cử một giáo viên không làm công tác chủ nhiệm làm tổ trưởng… Mặt khác, có ít trường xây dựng được quy chế hoạt động, kế hoạch hoạt động và lịch hoạt động. Thực chất, một số trường thành lập ra chỉ cho đủ lệ rồi hoạt động của tổ chủ nhiệm “tắt ngấm”. Thiết nghĩ, hoạt động của tổ chủ nhiệm ở trường học là vô cùng cần thiết và cần được đẩy mạnh. Các trường cần căn cứ vào điều kiện thực tế ở đơn vị để thành lập tổ chủ nhiệm và Hiệu trưởng nhà trường sẽ làm tổ trưởng. Khi thành lập, cần xây dựng quy chế hoạt động, lịch hoạt động theo từng tuần và từng tháng. Bám sát vào hoạt động của nhà trường, tổ chủ nhiệm hằng tuần cần có lịch sinh hoạt tổ hay nhóm như tổ và nhóm chuyên môn để trao đổi, rút kinh nghiệm, góp ý, đánh giá công tác chủ nhiệm trong tuần và trong tháng. Bên cạnh đó, tổ cũng thường xuyên cử giáo viên đi dự giờ sinh hoạt và các hoạt động giáo dục của lớp do giáo viên vững về chủ nhiệm tổ chức để tạo điều kiện cho giáo viên trẻ được học hỏi kinh nghiệm và bồi dưỡng nghiệp vụ. Mỗi kỳ nên tổ chức hội thảo chuyên đề về công tác giáo viên chủ nhiệm lớp trong phạm vi trường học hay khu vực nhằm thúc đẩy công tác giáo viên chủ nhiệm trong nhà trường.

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc