Giáo dục lễ phép: Giáo dục cơ bản, đầu tiên trong quá trình học làm người
Trên thực tế, khi con còn bé, nhiều bậc bố mẹ thường có suy nghĩ “trẻ con không biết gì”, nên khi trẻ có thái độ không ngoan, thậm chí hỗn với người lớn thì cũng bỏ qua mà không uốn nắn. Tuy nhiên, việc giáo dục để trẻ biết vâng lời, lễ phép và cư xử đúng mực là điều vô cùng cần thiết và nên uốn nắn trẻ từ sớm. Một ông bố phàn nàn rằng, lúc anh đưa con đi dự buổi liên hoan do cơ quan tổ chức, khi ra về anh nhắc cháu chào các bác, các chú, nhưng cháu nhất định không nghe. Bố càng giục, cháu càng lơ đi, làm anh vừa bực và ngượng với mọi người. Một bà mẹ khác lại kể, con trai của chị 6 tuổi rồi mà cứ giơ nắm đấm vào mặt người lớn khi trò chuyện. Chị cũng cho rằng, đó là hành vi hỗn và cần được dạy dỗ nghiêm khắc. Nhưng khi chị quát con không được làm thế, dùng tay phát vào mông con, thì cháu lại hét to vào mặt chị, dùng tay kéo tai hoặc giật tóc chị. Bực mình chị đánh cháu, nhưng lần sau cháu vẫn thế.
Với những em nhỏ trong độ tuổi thiếu nhi thì việc dạy trẻ những kỹ năng giao tiếp là cần thiết để trẻ biết cách xử sự lịch sự và hình thành đức tính tốt sau này. Từ những điều đơn giản nhất như nói “dạ, thưa” mỗi khi trả lời câu hỏi của người lớn, vừa lễ phép lại vừa dễ nhớ như “dạ có, dạ không…”, đến những cử chỉ như: khoanh tay và chào hỏi người lớn khi đưa trẻ đến chơi nhà ai đó. Sau đó, theo lứa tuổi và khả năng nhận thức mà cha mẹ hướng dẫn trẻ những bài học khác. Đôi khi các bậc phụ huynh cũng chưa chú ý đến thái độ của chính mình khi trò chuyện, hoặc trong cách ứng xử với trẻ. Khi trẻ chưa ngoan, thay vì nhắc nhở trẻ một cách nhẹ nhàng thì họ lại quát nạt, thậm chí là đánh đập trẻ. Những lời la mắng, đòn roi khiến trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và lần sau không dám tái phạm vì sợ bị mắng chứ không phải trẻ vâng lời vì tôn trọng cha mẹ.
Đối với trẻ nhỏ đã vậy, còn đối với lứa tuổi vị thành viên, thậm chí là nhiều bạn trẻ đã trưởng thành về thể chất nhưng vẫn còn bắt gặp đâu đó sự thiếu ý thức, thái độ chưa thể hiện sự lễ phép, tôn trọng đối với người lớn tuổi. Con gái Thảo My (15 tuổi) của chị Nguyệt vẫn thường được mẹ cho lên cơ quan sau các buổi tan học. Mỗi lần như vậy em bước vào phòng làm việc của mẹ như chốn không người, thả mình xuống chiếc sô pha tiếp khách rồi cắm đầu vào chiếc smathphone, có người nào hỏi tới em chỉ trả lời cho qua nên mọi người vẫn nghĩ chắc tại em còn e ngại. Tuy nhiên, dù có người lớn đến nhà chơi nhưng Thảo My cũng không hề chào khách. Giải thích cho thái độ đó, mẹ của em cho rằng con gái chị đang ở lứa tuổi dậy thì nên có những thay đổi về tâm sinh lý như vậy… Hoặc có những bạn trẻ vốn là “con một”, “cậu ấm, cô chiêu” quen được chiều chuộng thậm chí còn ngang nhiên lên giọng với cả đấng sinh thành mà không cần biết đến lễ giáo.
Thực tế cho thấy, muốn trẻ có thái độ lễ phép trước hết cha mẹ cần làm gương cho con. Phụ huynh cần gương mẫu trong việc xưng hô với bề trên, giữ đúng nền nếp trong gia đình. Đó chính là những ấn tượng tốt và tạo thói quen cho trẻ học tập theo. Sự chiều chuộng quá mức hay ngược lại là sự lơ là, thiếu quan tâm đúng mức trong nuôi dạy con cũng là nguyên nhân khiến giới trẻ thiếu lễ phép. Chị Hằng có con trai mười tuổi kể, hồi nhỏ cháu ngoan lắm, gặp ai cũng khoanh tay chào. Từ ngày vợ chồng chị mải việc, cháu ở nhà với ông nội, được chiều chuộng nên bây giờ hư lắm. Có khách, chị quát con đến khản cổ, cháu cũng không chào ai; lúc nói chuyện thì toàn nói trống không. Đến nhà người khác chơi, thích ăn gì, thích lấy gì cháu cứ tự nhiên mở tủ lấy khiến chị rất ngượng. Nhưng đánh cháu cũng không được vì cháu đã biết xấu hổ, tự ái nên chị cũng sợ dẫn đến hệ lụy đáng tiếc.
Việc chào hỏi, lễ phép trong ăn nói, tưởng như là việc rất nhỏ nhưng không nên xem nhẹ hoặc bỏ qua. Cha ông ta đã dạy: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” cốt là để giữ cho nếp nhà, rèn giũa ý thức, thái độ trong giao tiếp ứng xử đúng mực của con người. Giá trị nhân cách của một con người được bộc lộ qua từng cử chỉ, lời nói; giữ một thái độ lễ phép, đúng mực là bước khởi đầu tốt đẹp cho các mối quan hệ xã hội. Thiết nghĩ, các bậc cha mẹ cũng nên kiên trì dạy con, làm sao cho quá trình giáo dục con không bị gián đoạn vì bất kỳ lý do nào. Nhiều trường hợp cho thấy, do cha mẹ lơ là, một số trẻ em có thể từ ngoan, biết nghe lời đã chuyển thành cứng đầu, khó bảo chỉ sau 1-2 năm. Giáo dục thế hệ trẻ là việc làm thường xuyên trong gia đình và ở bất kỳ độ tuổi nào. Chính sự lễ phép từ ngày thơ dại trong gia đình sẽ hình thành nên những người biết cư xử có văn hóa trong xã hội sau này.
Võ Ngọc
Ý kiến bạn đọc