Multimedia Đọc Báo in

Một vài suy nghĩ về việc dạy tiếng Êđê ở trường phổ thông dân tộc nội trú

10:37, 11/01/2015

Dak Lak, chương trình dạy tiếng Êđê ở trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) cấp THCS đã được Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo và triển khai từ năm học 2003-2004. Tuy là dạy thực nghiệm nhưng sau thời gian thực hiện, chương trình đã thu được những kết quả rất đáng kể. Song để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy bộ môn này thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

Theo số liệu của Ban Nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc tỉnh, tính đến tháng 5-2014 có 13 trường PTDTNT ở các huyện, thị xã, thành phố thực hiện dạy tiếng Êđê cho học sinh các khối lớp 6, 7, 8. Số tiết ở mỗi lớp là 2 tiết/tuần. Các lớp 6, 7 học đủ 2 học kỳ, riêng lớp 8 chỉ học một học kỳ. Tổng số giáo viên trực tiếp giảng dạy tiếng Êđê là 13 người (mỗi trường có 1 giáo viên). Về số lượng giáo viên, như thế là tạm đủ vì mỗi trường PTDTNT cấp huyện chỉ có 4 lớp. Qua tìm hiểu, tất cả giáo viên dạy bộ môn này đều là người dân tộc Êđê, có trình độ cao đẳng sư phạm hoặc đại học sư phạm. Đây là một lợi thế rất lớn bởi giáo viên người dân tộc lại được dạy chính tiếng của dân tộc mình. Tuy nhiên, trong số các giáo viên này chỉ có 2 giáo viên thuộc chuyên ngành Ngữ văn, còn lại là giáo viên thuộc các chuyên ngành khác như: Toán, Lý, Hóa, Lịch sử… Nghĩa là việc dạy tiếng Êđê của các giáo viên này chỉ là kiêm nhiệm. Ngoài việc dạy tiếng Êđê, các giáo viên còn phải hoàn thành chuyên môn chính của mình. Cũng vì phải dạy chéo ban nên nhiều giáo viên gặp không ít khó khăn trong quá trình lên lớp, lúng túng trong phương pháp giảng dạy. Nhất là khi dạy phần văn bản, giáo viên không phải là chuyên ngành Ngữ văn lại càng khó khăn hơn trong việc tìm hiểu, phân tích, cảm thụ những hình ảnh văn chương, những thủ pháp nghệ thuật. Do vậy, dù giáo viên đã rất cố gắng nhưng hiệu quả giờ dạy chưa được như mong muốn. Hơn nữa, giáo viên dạy tiếng Êđê một trường chỉ có một người, nên việc trao đổi, rút kinh nghiệm chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp… hầu như không thể thực hiện được. Đó cũng là một khó khăn của giáo viên dạy tiếng Êđê ở các trường PTDTNT cấp huyện.

Được biết, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc đã có những định hướng, biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Êđê ở trường PTDTNT như kết hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn đổi mới phương pháp giảng dạy… Nhưng thiết nghĩ, đó là về lâu dài; trước mắt, nên tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên dạy tiếng Êđê của các trường PTDTNT trong tỉnh, ít nhất một học kỳ một lần. Mỗi lần sinh hoạt chuyên môn là một dịp để giáo viên các trường có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy và trực tiếp đề xuất những vấn đề liên quan với các bộ phận chuyên môn.

Vấn đề nữa là về chương trình, sách giáo khoa tiếng Êđê. Theo báo cáo của Ban Nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc, chương trình môn học tiếng Êđê bậc THCS được xây dựng dựa trên cơ sở chương trình môn Ngữ văn các lớp 6, 7, 8 phổ thông hiện hành. Chương trình nhìn chung đã đáp ứng được mục tiêu, nội dung giảng dạy. Bên cạnh đó vẫn còn có những hạn chế như: Nội dung chương trình, sách giáo khoa chưa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Êđê. Mục đích yêu cầu, nội dung nhiều bài học còn quá cao, mang tính hàn lâm. Chương trình, sách giáo khoa tiếng Êđê đang trong quá trình thực nghiệm, chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định. Ở đây không đi sâu vào công việc của những người biên soạn sách, chỉ xin nêu một ý nhỏ: không thiếu những bài văn, bài thơ hay viết về đất và người Tây Nguyên nói chung, về quê hương Dak Lak nói riêng. Nên mời những nhà văn, nhà thơ có uy tín trong tỉnh tuyển chọn những tác phẩm hay, phù hợp với tiêu chí đề ra để đưa vào sách giáo khoa, giảng dạy trong nhà trường. Đồng thời, tuyển chọn một số sáng tác hay phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, tâm lý học sinh dân tộc, biên dịch thành song ngữ Việt – Êđê cho học sinh tham khảo. Như vậy, tin rằng sẽ khắc phục được những hạn chế nói trên và chắc chắn bản sắc văn hóa dân tộc Êđê sẽ in đậm trong bộ sách giáo khoa, học sinh sẽ hứng thú học tập và chất lượng bộ môn sẽ được nâng cao hơn.

                                                                    Hoàng Minh Sơn


Ý kiến bạn đọc