Multimedia Đọc Báo in

Sáng tạo cùng học sinh trung học

12:59, 25/01/2015

Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2014-2015 khép lại với những bất ngờ, thú vị. Ngoài số lượng sản phẩm, dự án dự thi tăng gấp đôi so với cuộc thi trước, giải thưởng năm nay một lần nữa thuộc về  tác giả, nhóm tác giả đến từ các trường huyện, qua đó, cho thấy sức hút của cuộc thi đối với giáo viên, học sinh…

Tham dự Cuộc thi cấp tỉnh có 109 sản phẩm, dự án được tuyển chọn từ 292 hồ sơ cấp cơ sở, thuộc 13 lĩnh vực: Hóa và Hóa sinh, Địa lý, Khoa học động vật, Khoa học môi trường, Khoa học thực vật, Khoa học xã hội & Giáo dục, Kỹ  thuật điện và Cơ khí, Quản lý môi trường, Thể dục & Quốc phòng, tiếng Anh, Tin học & Công nghệ, Toán học & Công nghệ sinh học. Xác định tầm quan trọng của Cuộc thi, Sở GD-ĐT đã triển khai đến các trường, phòng GD-ĐT trước khai giảng năm học 2014-2015 nên các đơn vị đã có nhiều thời gian chuẩn bị và nghiên cứu sâu đề tài nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng dự thi cấp tỉnh và toàn quốc năm học 2014-2015. Trên cơ sở lĩnh vực đăng ký dự thi, Ban tổ chức mời các thầy, cô giáo có năng lực, uy tín trong chuyên môn, đặc biệt mời 3 chuyên gia chuyên ngành Hóa sinh, Kỹ thuật của Sở Khoa học Công nghệ cùng tham gia đánh giá, tư vấn các sản phẩm dự thi. “Cú hích” cho ngành Giáo dục tỉnh xuất phát từ những kết quả xuất sắc đạt được trong năm đầu dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật toàn quốc (năm học 2013-2014) diễn ra tại TP. Cần Thơ, với 3/3 sản phẩm dự thi đều đoạt giải. Trong đó dự án “Đèn báo giao thông ở các ngã tư nông thôn và trường học sử dụng máy phát điện bằng sức gió công suất nhỏ” của nhóm tác giả: Vũ Hoàng Bảo, Đinh Văn Cương, Nguyễn Văn Tiến Anh (Trường THPT Phạm Văn Đồng) đoạt giải Ba lĩnh vực Kỹ thuật điện - Cơ khí. 2 dự án "Chuông điện thông minh" của nhóm tác giả Bùi Tiến Đạt, Hoàng Văn Thim, Nguyễn Minh Phúc (Trường THPT Phan Đình Phùng); "Chế tạo mô hình xe môi trường đô thị đa năng" của Lê Đức Thông (Trường THPT Lê Hữu Trác) đoạt giải Đặc biệt do các trường đại học và nhà tài trợ bình chọn.

Nhóm tác giả Trường THPT Trần Quang Khải (huyện Cư M'gar) đang hoàn chỉnh Dự án
Nhóm tác giả Trường THPT Trần Quang Khải (huyện Cư M'gar) đang hoàn chỉnh Dự án "Máy bơm nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp" tham dự Cuộc thi cấp tỉnh.

Theo đánh giá của Ban tổ chức, nhiều sản phẩm dự thi cấp tỉnh năm học 2014-2015 có tính ứng dụng cao vào đời sống thực tiễn, trong đó nhiều đề tài đã hướng tới cộng đồng, dân sinh như: “Ngôi nhà tương lai xanh, thông minh, an toàn” của Trường THCS Dur K’man (huyện Krông Ana), “Điều chế keo bẫy ruồi từ mủ cao su” - Trường THPT Lê Hữu Trác (huyện Cư M’gar); một số đề tài xã hội gắn với đời sống giới trẻ: “Thực trạng sử dụng facebook” - Trường THPT Nguyễn Huệ, “Phân tích xu hướng chọn nghề” -Trường THPT Buôn Hồ.

Đặc biệt nhiều học sinh đã lựa chọn lĩnh vực nông nghiệp, môi trường làm đề tài nghiên cứu. Tiêu biểu như đề tài “Máy bơm nước phục vụ tưới nông nghiệp” - Trường THPT Trần Quang Khải, “Sử dụng cây cỏ lạc với mô hình VAC” - Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng… Trong lĩnh vực Công nghệ, Hóa học, Hóa sinh, các em học sinh cũng đã đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu nhiều đề tài có giá trị như: “Robot đa năng” - Trường THPT Lê Hồng Phong, “Chưng cất rượu từ hương cà phê” - Trường THPT Lê Hữu Trác, “Diệt khuẩn làn da mở ra thế giới” - Trường THPT Buôn Hồ, “Dùng mạch điện thông minh để điều khiển hoạt động của các thiết bị điện” - Trường THCS Cao Bá Quát, Cư M’gar. Hai em Lê Thị Ánh Tuyết, Trương Thế Anh (Trường THCS Dur K’măl) tác giả dự án “Ngôi nhà tương lai: xanh, thông minh, an toàn”- đoạt giải Nhất Cuộc thi chia sẻ: “Vấn đề năng lượng đang là mối lo ngại, bức xúc hàng đầu của toàn xã hội. Tình trạng cạn kiệt nguồn năng lượng không còn là cảnh báo của một tương lai xa mà đang ở rất gần. Với cách khai thác thủy điện như hiện nay, rất có thể đến năm 2030, Việt Nam sẽ cạn kiệt nguồn năng lượng này. Trăn trở trước vấn đề đó, chúng em mạnh dạn xây dựng mô hình sử dụng năng lượng mặt trời để tạo ra điện năng phục vụ đời sống con người. Không chỉ sử dụng nguồn năng lượng sạch là mặt trời, chúng em còn tự động hóa toàn bộ hệ thống điện trong gia đình, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người”. Còn tác giả Ngô Văn Minh (Trường THPT Lê Hồng Phong)  đồng đoạt giải Nhất Cuộc thi thổ lộ: “Robot được hoàn thành sau 2 tháng nghiên cứu chế tạo. Đó là kết quả làm việc quên thời gian, quên mệt mỏi và có cả những giọt nước mắt rơi vì sản phẩm không hoạt động như ý muốn. Niềm đam mê đã giúp em vượt lên mọi trở ngại không nản chí khi sản phẩm chưa tốt, ngược lại càng say mê nghiên cứu chế tạo để sản phẩm hoàn thiện hơn. Những ngày đầu khi nghĩ ra ý tưởng, trong đầu luôn nghĩ làm sao, làm như thế nào để sản phẩm tốt nhất có thể đem lại lợi ích cho con người”.

“Sáng tạo là một việc khó, nhất là đối với lứa tuổi học sinh, tuy nhiên với sự hỗ trợ tích cực của thầy, cô giáo cùng sự say mê, tìm tòi đã giúp các em từng bước chinh phục tri thức, biến những ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Cuộc thi là “sân chơi” trí tuệ, bổ ích cho thầy, trò bậc trung học, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ một nền giáo dục chuyên truyền thụ kiến thức đã chuyển sang thực hành phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Cuộc thi này có ý nghĩa như kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia các môn văn hóa, do vậy thí sinh hoặc nhóm thí sinh đang học THPT đoạt giải Nhất, Nhì, Ba đủ điều kiện tuyển thẳng vào các trường đại học, học viện chuyên ngành; đoạt giải Khuyến khích đủ điều kiện tuyển thẳng vào các trường cao đẳng chuyên ngành; thí sinh hoặc nhóm thí sinh đang học THCS nếu có sản phẩm đạt giải đủ điều kiện tuyển thẳng vào trường THPT công lập kể cả trường chuyên hoặc không chuyên”, ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc