Multimedia Đọc Báo in

Để nâng cao vị thế môn Lịch sử

21:01, 07/02/2015
Môn Lịch sử đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc cho học sinh, giúp các em có cái nhìn toàn diện về quá khứ, rút ra được những kinh nghiệm quý báu cho hiện tại. Thế nhưng hiện nay môn học này vẫn còn bị coi nhẹ.

Cách giảng dạy môn Lịch sử của nhiều thầy cô giáo còn rất khô khan, thiếu hấp dẫn, khiến cho học sinh ít mặn mà với môn học này. Nhiều tiết học, giáo viên chỉ nói lại theo sách giáo khoa đã viết sẵn. Vì vậy, học sinh ít muốn ngồi nghe và chán ghi chép, bởi sách giáo khoa đã có rồi.

Thời lượng giảng dạy môn Lịch sử còn ngắn, ở lớp 10 là 1,5 tiết/tuần, lớp 11 là 1 tiết/tuần, lớp 12 là 1,5 tiết/tuần. Theo quy định, mỗi giáo viên cấp THPT dạy đủ chuẩn là 17 tiết/tuần. Vì vậy, một giáo viên nếu thực dạy môn Lịch sử phải dạy nhiều lớp cho đủ số tiết quy định. Điều này làm cho công tác chuẩn bị của giáo viên gặp nhiều khó khăn, chưa kể đến khâu ra đề kiểm tra, chấm bài cho học sinh…

Ngoài ra, chương trình và sách giáo khoa môn Lịch sử mặc dù đã có nhiều đổi mới về kênh hình kênh chữ song vẫn còn nặng về các sự kiện, năm, tháng; kiến thức còn lặp đi lặp lại trong sách giáo khoa Lịch sử giữa 2 cấp học. Điều này một phần cũng làm cho người dạy và người học nhàm chán.

Để nâng cao vị thế môn Lịch sử, trước hết giáo viên cần phải đổi mới cách giảng dạy. Thông qua những sự kiện, mẩu chuyện, hình ảnh minh họa... mà giáo viên diễn đạt, sẽ giúp học sinh lắng nghe và hiểu tường tận những kiến thức lịch sử, từ đó học sinh sẽ yêu thích bộ môn Lịch sử một cách tự nhiên. Trong giảng dạy Lịch sử giáo viên nên sử dụng sơ đồ tư duy để tổng hợp kiến thức bài học một cách ngắn gọn nhất. Đặc biệt, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin, trình chiếu, minh họa các đoạn phim tư liệu, các câu chuyện thật về nhân vật lịch sử sẽ giúp học sinh thấu hiểu sâu sắc hơn về những trang sử hào hùng của dân tộc, từ đó nắm bắt kiến thức lịch sử một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.

Khi viết sách giáo khoa môn Lịch sử nên giảm bớt tiêu đề các bài, các tiểu mục, nhất là những bài đầu chương phải viết ngắn gọn. Thời lượng một tiết học là 45 phút, trong đó các khâu ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, củng cố, hướng dẫn về nhà đã tốn không ít thời gian nhưng gặp những bài có tiêu đề, tiểu mục quá dài, giáo viên và học sinh cứ lo cắm cúi viết nên việc truyền tải và tiếp thu kiến thức mới gặp nhiều khó khăn.

Thiết nghĩ, mỗi tiết dạy Lịch sử, giáo viên chuẩn bị chu đáo như những tiết thao giảng, hội giảng và làm việc nhiều hơn so với những tiết học thông thường thì chắc chắn học sinh sẽ yêu thích và vị thế môn Lịch sử sẽ được nâng cao.

Ngô Mã Thiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.