Multimedia Đọc Báo in

Kỳ thi quốc gia năm 2015: Vừa dạy vừa chờ Quy chế

20:54, 04/02/2015

Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, năm 2015 chỉ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất thay vì 2 kỳ thi riêng lẻ để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng như trước đây. Thế nhưng đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa ban hành Quy chế thi 2015, do vậy không ít trường, thầy, cô giáo, học sinh lớp 12 trong tỉnh băn khoăn, lúng túng.

Yêu cầu cao hơn đối với giáo viên và học sinh

Học kỳ II năm học 2014-2015 bắt đầu cũng là lúc các trường THPT, trung tâm GDTX trong tỉnh “khởi động” chương trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.  Kỳ thi năm nay có nhiều thay đổi do đó không khí dạy-học ở các trường có phần “căng thẳng” hơn với các năm học trước. Thay đổi mấu chốt nhất là thí sinh chỉ phải thi một đợt duy nhất để có kết quả xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Điều này đồng nghĩa, yêu cầu của đề thi sẽ khó và có sự phân hóa hơn. Về phía các trường đã chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời phổ biến những đổi mới liên quan đến kỳ thi đến giáo viên, học sinh để sẵn sàng tâm thế, tránh bỡ ngỡ, bị động trong dạy-học. Đơn cử từ đầu năm học 2014-2015, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (xã Cư Né, huyện Krông Buk) đã tổ chức dạy thêm-học thêm 5 môn học cơ bản cho học sinh khối lớp 12. Mới đây, nhà trường tổ chức cho học sinh đăng ký dự kiến nguyện vọng thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, dự thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ, thi môn thay thế nhằm chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho các em sát với năng lực, sở trường ngay khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Tương tự tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ), Ban giám hiệu, thầy, cô giáo cũng thường xuyên theo dõi, thông tin về kỳ thi THPT quốc gia để phổ biến đến học sinh. Cùng với đó, nhà trường chủ động tổ chức ôn tập cho học sinh một số môn học cơ bản có thể là môn thi tốt nghiệp. Cũng như nhiều năm học trước, trường chọn những giáo viên có năng lực, giàu kinh nghiệm phụ trách các môn học khối lớp 12. Khác chăng năm nay ngoài yêu cầu giáo viên bộ môn giảng dạy đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng còn phải mở rộng, nâng cao kiến thức để đáp ứng những yêu cầu thay đổi của Bộ GD-ĐT là lấy kết quả tốt nghiệp để xét tuyển ĐH, CĐ. Trong quá trình giảng dạy giáo viên tiếp tục tư vấn, giúp đỡ học sinh có đầy đủ thông tin cần thiết để lựa chọn ngành nghề, chọn trường và xác định môn thi phù hợp theo năng lực, sở trường nhằm bảo đảm xét tốt nghiệp và xét ĐH, CĐ. Còn tại Trường THPT Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ), ngoài yêu cầu giáo viên trong quá trình dạy phải nâng cao mở rộng kiến thức, giúp các em làm quen với những dạng đề khó, dạng đề yêu cầu khả năng vận dụng cao và đã xây dựng cả kế hoạch “dạy dỗ đặc biệt” nhằm giúp 17 học sinh lớp 12 có học lực yếu nắm vững kiến thức để có thể hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Krông Búk)  trong giờ ôn tập.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Krông Búk) trong giờ ôn tập.

Loay hoay tìm phương pháp

Theo Dự thảo Quy chế  thi của Bộ GD-ĐT ban hành để lấy ý kiến của các chuyên gia và phản biện xã hội quy định: “Về cấu trúc đề thi sẽ không có thay đổi nhiều, đề sẽ ra trên nguyên tắc đảm bảo những học sinh trung bình sẽ đỗ tốt nghiệp và phân loại được học sinh giỏi với nhóm câu hỏi nâng cao để trên cơ sở đó giúp các trường ĐH, CĐ có thể chọn lựa được những thí sinh xuất sắc (thông qua 2 nhóm câu hỏi). Trong đó các môn khoa học xã hội sẽ theo hướng mở, giảm chuyện học thuộc lòng mà yêu cầu học sinh phải biết phân tích sự kiện, nhất là sự kiện nóng trong xã hội; còn đề thi các môn khoa học tự nhiên thì ngoài việc đánh giá kiến thức THPT sẽ tập trung vào các câu hỏi vận dụng kiến thức, thực hành”. Trước những thay đổi của Bộ GD-ĐT về đổi mới, kiểm tra, đánh giá học sinh, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định. Về việc tổ chức ôn tập, yêu cầu các tổ chuyên môn, giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp THPT chủ động xây dựng tốt kế hoạch, nội dung ôn tập. Trong đó, các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Đối với môn ngoại ngữ cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, kiểm tra có cả hình thức viết và tự luận. Trong việc tổ chức ôn tập cần hướng dẫn học sinh vận dụng, lựa chọn các phương pháp ôn tập phù hợp với nội dung của môn học. Ngoài ra, giáo viên cần nắm được kết quả của học sinh để điều chỉnh cách dạy cho phù hợp. Không những vậy, Sở GD-ĐT đã có sự chủ động từ trước, thể hiện qua việc tổ chức thi học kỳ I năm học 2013-2014 theo đề thi chung của Sở nhằm giúp các thầy, cô giáo và các em học sinh làm quen với những đổi mới trong thi cử, đánh giá của Bộ GD-ĐT. Trên cơ sở đó, các trường, thầy, cô giáo chủ động dạy, ôn tập cho các em để trên cơ sở dạy đúng, đủ chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT. Mặc dù đã có sự chủ động, chuẩn bị như vậy, nhưng hiện nay, các nhà trường, đội ngũ thầy, cô giáo và kể cả học sinh cũng đang còn nhiều băn khoăn, lúng túng, nhất là khi kết quả các môn thi tập trung theo đề thi của Sở GD-ĐT, hầu hết đều thấp hơn so với năm học trước. Cô Vũ Phương Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ chia sẻ: “Một kỳ thi nhưng có 2 mục đích, vì vậy giáo viên và học sinh băn khoăn không biết liệu rằng dạy-học bám sát nội dung chương trình đã đủ kiến thức? Nếu như ở các kỳ thi trước, dạng đề thi đại học đã có sẵn trong các bộ đề, giáo viên căn cứ vào đó ôn luyện cho các em, còn năm nay thì rất mơ hồ.

Ngoài dạy theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT quy định, trong từng tiết dạy giáo viên phải dạy mở rộng, nâng cao hơn. Song với quỹ thời gian ít ỏi trong một tiết học, giáo viên cũng chỉ có thể gợi mở nội dung. Điều này chỉ thực sự đem lại hiệu quả với những em có học lực khá, những em có ý thức học tập tốt mà thôi”. Chính vì sợ lượng kiến thức học tại trường không đủ, nên một số ít học sinh của Trường THPT Nguyễn Văn Cừ đã tìm đến các thầy, cô giáo ở thị xã Buôn Hồ để “luyện thi” mặc dù các em đã học chính khóa và học thêm trong trường. Tương tự, các thầy, cô giáo ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị xã Buôn Hồ) cũng có cùng nỗi lo trên. “Nếu dạy đúng kiến thức, kỹ năng thì những em học lực khá không thỏa mãn, còn nếu dạy nâng cao, mở rộng thì các em có học lực yếu không theo kịp. Do vậy, để cùng lúc dạy - học đạt 2 mục tiêu tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ, các trường có chất lượng giáo dục chưa cao đang phải gồng mình, nói đúng hơn là đang loay hoay tìm phương pháp dạy học phù hợp nhằm giúp học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi quan trọng, có nhiều đổi mới sắp tới”, thầy Hoàng Bá Đạt, thư ký Hội đồng sư phạm Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ. Vì vậy, các trường mong muốn Bộ GD-ĐT sớm ban hành Quy chế, bởi mỗi ngày qua đi, công tác tổ chức thi, tuyển sinh lại càng đến gần khiến cho phụ huynh, học sinh càng thêm lo lắng.

 Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc