Lấp lánh Sao tháng Giêng
Năm 2015 đến với sinh viên Nguyễn Thị Thu Thảo, lớp Giáo dục Mầm non 38A Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak và Đặng Thị Thái Hòa, lớp Sư phạm Toán K2011 Trường Đại học Tây Nguyên nhiều niềm vui xen lẫn tự hào-vinh dự được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2014.
Điểm chung của hai cô giáo tương lai là thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, công tác Hội Sinh viên, công tác Đoàn và phong trào sinh viên, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua, học tập trong sinh viên.
Cảm ơn vì “lựa chọn nhầm”
Chỉ còn vài tháng nữa Nguyễn Thị Thu Thảo, lớp Giáo dục Mầm non 38A Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak trở thành cô nuôi dạy trẻ. Với Thảo - nghề giáo đã chọn mình chứ không phải mình chọn nghề. Không chút giấu giếm, Thảo chia sẻ: “Từ nhỏ em đã thích ngành Quản trị Kinh doanh, vì vậy liên tiếp hai năm học liền em nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học vào các trường kinh tế. Rất tiếc ước mơ trở thành nữ doanh nhân không thành hiện thực. Không muốn bố mẹ lo lắng, ở lần thi đại học thứ 2, em đăng ký thêm nguyện vọng 2 vào ngành Giáo dục Mầm non Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak. Ngày trường cao đẳng công bố điểm thi, mặc cho bố mẹ thúc giục đi xem kết quả, em cứ nấn ná với hy vọng một trường đại học nào đó sẽ gọi nhập học. Niềm vui đã không mỉm cười với em, nhưng thật bất ngờ, số điểm thi vào ngành mầm non của em cao thứ nhì kỳ thi năm đó”. Dẫu không chọn ngành Giáo dục mầm non, nhưng càng học Thảo lại càng thấy sự phân tích của bố mẹ khi khuyên mình chọn ngành học này là đúng đắn, phù hợp với năng lực, sở trường. Trước đây, Thảo cứ nghĩ, nghề nuôi dạy trẻ chỉ dành cho những ai thùy mị, còn những người có cá tính, năng động, hoạt bát như mình thì không dỗ dành được trẻ. Suy nghĩ này đã thay đổi qua đợt thực tập mới đây, bằng sự hài hước, dí dỏm, cộng thêm một chút tài vặt cô Thảo đã làm các cháu học sinh của Trường Mẫu giáo Krông Ana (huyện Krông Ana) mê tít. Kết thúc thời gian thực tập 3 tuần ngắn ngủi, khi quay lại trường tiếp tục học tập, Thảo không thể nào quên ánh mắt trìu mến của các em dành cho mình, tiếng thỏ thẻ gọi cô ơi! Thảo cho biết: “Công việc chăm sóc trẻ rất vất vả, trước 6 giờ sáng phải có mặt tại lớp đón trẻ và đến khi bố mẹ đón trẻ về hết, cô giáo mới được về. Chưa kể, nếu trong lớp có trẻ bị ốm cô giáo phải chăm sóc, dỗ dành trẻ. Nhưng bù lại, nghề này cũng cho mình thật nhiều niềm vui, hạnh phúc!”. Chính vì vậy Thảo yêu ngành học tự lúc nào cũng không hay.
Giờ đây, khi thấy Thảo hào hứng kể về chuyện trường, chuyện lớp, chuyện đi thực tập, bố mẹ Thảo vẫn trêu con gái: “Không còn trách móc bố mẹ bắt con chọn ngành mình không thích nữa à!”. Những lúc như vậy Thảo giả vờ như không nghe thấy bởi suy nghĩ “bảo thủ” của mình trước đây. Không chút giấu giếm, Thảo thổ lộ: “Càng học ngành mầm non càng thấy nhiều điều lý thú, bổ ích. Kiến thức học được trên ghế nhà trường sẽ giúp mình dạy dỗ, chăm sóc các cháu tốt hơn, trong đó có con mình sau này!”. Chọn ngành mầm non cũng đồng nghĩa với “làm dâu trăm họ” do vậy, ngoài tình thương, kiến thức, Thảo chủ động trang bị cho mình những kỹ năng mềm. Từ học kỳ I của năm học đầu tiên, cô sinh viên đến từ huyện Buôn Đôn đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, mau chóng thích ứng với môi trường học tập, tự khẳng định mình qua học tập cũng như các hoạt động phong trào của lớp, của khoa và của trường, nhất là các hoạt động tình nguyện như tiếp sức mùa thi, mùa hè xanh tình nguyện, ngày chủ nhật hồng… Hiện tại, Thảo đang ấp ủ một dự định, sau khi tốt nghiệp cao đẳng nếu không xin được việc làm, em sẽ cùng một người bà con hùn vốn mở một cơ sở nuôi dạy trẻ tư nhân để biến ước mơ thành hiện thực.
Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên Nguyễn Tấn Vui trao phần thưởng Sao tháng Giêng năm 2014 cho sinh viên Đặng Thị Khánh Hòa. |
Hạnh phúc khi san sẻ yêu thương
Không chỉ học giỏi, Đặng Thị Khánh Hòa, lớp Sư phạm Toán K2011, Trường Đại học Tây Nguyên còn là một sinh viên tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, đặc biệt là hoạt động xã hội. Với những thành tích đó, Hòa vinh dự được Hội Sinh viên Trường đề cử Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao giải thưởng “Sao tháng Giêng” năm 2014. Khi đề cập đến giải thưởng cao quý này, Hòa khiêm tốn nói: “Thật ra trong trường còn nhiều bạn học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn, Hội hơn em. Vinh dự này sẽ là động lực để em tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong học tập cũng như trong cuộc sống”. Ngoài thành tích học tập đáng nể như liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, giải Ba môn thi Đại số tại Kỳ thi Olympic Toán học sinh sinh viên toàn quốc năm 2014, giải Nhì Hội thi Nghiệp vụ sư phạm Đoàn khoa Khoa học tự nhiên & công nghệ năm học 2013 - 2014…, Hòa còn là một Bí thư Chi đoàn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động xã hội, tình nguyện, từ thiện. Với Hòa, tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn-Hội đã giúp em trưởng thành hơn, biết chia sẻ, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn. “Chứng kiến hoàn cảnh của các em mồ côi trong lần tình nguyện đi dạy học ở giáo xứ Kim Châu hay đi quyên góp áo quần cũ giúp trẻ em nghèo, hoặc khi tình cờ biết được hoàn cảnh đáng thương của học sinh trong đợt đi thực tập tại một trường THPT trên địa bàn huyện Buôn Đôn, em đã vận động các bạn sinh viên thực tập tại trường, học sinh trong lớp ủng hộ tiền hỗ trợ cho em học sinh này… Những lần như thế, em thấy mình may mắn hơn nhiều”, Hòa tâm sự. Đồng cảm với những số phận kém may mắn, nhưng ít ai biết rằng, hoàn cảnh của Hòa cũng rất đáng thương. Kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa nên từ lúc 4 tuổi Hòa phải sống với ông bà nội ở quê (Nghệ An), năm học lớp 12 mới chuyển vào Gia Lai sống cùng bố mẹ. Không có bố mẹ kèm cặp, chăm sóc, Hòa luôn nỗ lực phấn đấu học giỏi, những năm học phổ thông thành tích học tập của Hòa luôn là mơ ước, mục tiêu phấn đấu của bạn bè, Hòa còn là “gia sư” cho các bạn học yếu trong lớp bằng cách học nhóm giúp nhiều bạn cùng vươn lên trong học tập.
Nguyên Thúy
Ý kiến bạn đọc