Sắc Xuân vùng đồi
Sự tận tụy, tâm huyết của các thầy, cô giáo - những người không quản khó khăn, cống hiến tuổi xuân, sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp trồng người trên vùng đất khó Krông Bông đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ về việc học hành. Sự nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa đang khởi sắc, những người “trồng cây” bắt đầu thu “quả ngọt” do mình vun trồng.
Một thời để nhớ!
Do ảnh hưởng của cơn bão Hagupit, trời trở lạnh, chặng đường hơn 80 km từ TP. Buôn Ma Thuột về xã Cư Pui (huyện Krông Bông) dường như dài hơn, và tôi thì cứ miên man nghĩ về giáo dục vùng khó, về các thầy, cô giáo đang bám trụ ở vùng đồi núi đầy nắng gió này với một niềm thương mến và cảm phục sâu sắc. Còn nhớ, cùng thời điểm này cách đây vài năm, một đồng nghiệp công tác tại Đài Truyền thanh huyện Krông Bông thương cô nhà báo tỉnh “thân gái dặm trường” tình nguyện làm tài xế chở vào các xã căn cứ tìm hiểu đời sống của bà con sau 35 năm “đất nước trọn niềm vui”. Là “thổ địa” ở đây nên không quá khó để anh đưa tôi “mục sở thị” nhiều điểm trường trong xã, gọi là lớp học, nhưng mùa mưa thì nước chảy ào ào, mùa nắng thì gió bụi, nóng hầm hập. Anh cho biết: “Cư Pui là “vùng trũng” của giáo dục Krông Bông, đúng hơn là của cả tỉnh Dak Lak. Những gì đặc trưng nhất của giáo dục vùng sâu đều hội tụ ở Cư Pui: trường có nhiều điểm lẻ, thiếu phòng học, phòng học tạm bợ, tỷ lệ HS bỏ học giữa chừng cao”. Hôm ấy, tôi đã gặp thầy giáo Y Liêm Niê (dân tộc Êđê) - người gắn bó với sự nghiệp “trồng người” vùng sâu, vùng xa hơn 25 năm, thầy cho biết: “Những năm 80, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của huyện Krông Bông còn nghèo đói, lạc hậu lắm, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, nhiều thầy, cô giáo bỏ về quê. Kinh tế khó khăn, bố mẹ lo cái ăn còn chưa đủ nói chi đến chuyện học hành của con nên sĩ số học sinh (HS) tăng, giảm theo từng mùa rẫy”.
Học sinh Trường Tiểu học Cư Pui vui đến trường. |
Còn theo thầy giáo Nguyễn Văn Để (một cựu giáo viên vùng căn cứ H9 trong kháng chiến chống Mỹ) - người con đất Quảng Nam kiên trung, bị buộc di dân vào huyện Krông Bông từ những năm 1950, thì nhớ lại: “Trước giải phóng (huyện Krông Bông được giải phóng 9-5-1965), làm chi có trường, có lớp, tôi phải đến từng nhà trong thôn vận động bà con vào rừng đốn cây dựng phòng học, chặt tre đập dập làm bàn ghế cho các cháu học. Tranh thủ những lúc địch không càn quét, tôi vào các dinh điền cũ nhặt từng mảnh ván còn sót lại ghép thành chiếc bảng dạy học. Do không có phương tiện để bào, đục nên chiếc bảng chỗ lồi, chỗ lõm, chỗ cháy xém; còn phấn viết bảng là những cục than củi hoặc củ sắn khô; sách giáo khoa cũng không có, cứ dạy hết vài bài học, tôi lại ra huyện để chép giáo án mới. Cả giáo viên và HS hồi ấy không có giấy bút để chép giáo án, viết bài. Một mặt giấy được viết nhiều lần, lần đầu viết bằng bút chì, lần thứ 2 lấy thuốc đỏ y tế viết chồng lên mực viết chì và lần thứ 3 lấy mực màu xanh viết đè lên chữ đỏ, sau đó đem nhúng nước, phơi nắng cho phai màu chữ rồi viết tiếp. Với HS, lúc học trên lớp thì dùng thanh tre vót nhọn viết vào lá chuối non, khi về nhà thì dùng trái cây rừng giã ra lấy nước thay mực viết trên lá chuối khô. Đời sống giáo viên ngày ấy vất vả, mỗi HS góp 4-5 lạng mì, ngô/tháng nuôi giáo viên, nhưng nhiều em không có nộp. Gia đình các em cũng phải hái rau, đào củ rừng qua bữa, vì vậy, thầy, cô giáo cũng phải vào rừng kiếm rau, củ ăn qua ngày, còn trường lớp liên tục bị giặc đốt phá, điều kiện học tập thiếu thốn, nhưng HS rất ham học. Nhiều em phải địu em tới lớp, cột võng nơi góc lớp vừa ru em, vừa viết chữ, làm toán, thế nhưng nhiều em bây giờ đã trưởng thành, trở thành cán bộ lãnh đạo của các ngành, các cấp”.
Thêm động lực cho giáo dục vùng sâu
Cuối năm công việc rất bận rộn, nhưng Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm hào phóng dành trọn nửa buổi sáng trò chuyện về sự học hành của con em trong xã. Không cần sự “trợ giúp” của cán bộ văn phòng, hay sổ sách ghi chép, vị “tư lệnh” xã đã thông tin chi tiết số HS của từng trường học, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các trường cũng như những băn khoăn, trăn trở về sự nghiệp giáo dục khi năm 2014 kết thúc. Chủ tịch xã cho biết: “Nhìn tổng thể quy mô trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của 4 trường điểm, trường chính trên địa bàn xã chỉ thua kém một vài trường trọng điểm của thị trấn Krông K’mar”. Giáo dục Cư Pui được biết đến bởi có nhiều điểm trường lẻ và phòng học tạm bợ, nhưng đến năm 2014 cơ bản 80% phòng học đã được kiên cố. Đơn cử, được thành lập từ năm 2004 nhưng mãi 10 năm sau (năm học 2014-2015), Trường Mẫu giáo Cư Pui mới có điểm trường chính khang trang, còn trước đây, mỗi thôn, buôn là một điểm lẻ dạy trẻ 5 tuổi, mỗi ngày một buổi học. Do không có điểm trường chính, phòng làm việc của Ban Giám hiệu thường là Hội trường thôn hoặc Nhà văn hóa cộng đồng, đã ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy trẻ.
Xuất phát từ thực tế trên, cuối năm 2013, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã quy hoạch đất, được đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng Trường Mẫu giáo Cư Pui cách trung tâm xã 2 km (trên nền điểm trường Trường Tiểu học Cư Pui 1 thuộc địa bàn thôn Điện Tân); đồng thời đầu tư kinh phí xây dựng tường rào kiên cố, mua sắm đồ chơi trong nhà, ngoài sân cho các cháu. Cùng với đó, chính quyền xã vận động ngày công của các đoàn thể chính trị trong xã và huy động nhân dân 100 triệu đồng bê tông hóa sân trường để các cháu có nơi học tập, vui chơi an toàn, sạch đẹp. Cô giáo Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui cho biết: “Tại điểm trường chính có 3 lớp học dành cho 3 độ tuổi 3-4-5. Trước mắt, nhà trường cùng phụ huynh tổ chức mô hình bán trú dân nuôi cho 46 cháu của 2 lớp chồi và lá (4 - 5 tuổi), riêng các cháu lớp mầm (3 tuổi) chưa thực hiện vì còn quá nhỏ”.
Công tâm mà nói, tổ chức bán trú, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vất vả nhiều, nhưng các cháu được học tập, sinh hoạt tập trung, được giao tiếp với nhau, làm quen với môi trường tập thể, biết nói tiếng phổ thông, được cô giáo cho ăn, ngủ đúng giờ giấc, nền nếp... nên phụ huynh tin tưởng vào sự dạy dỗ, chăm sóc của nhà trường và cô giáo. Một điều đặc biệt nữa đa số phụ huynh bận đi nương, đi rẫy, ít có thời gian chăm sóc con cái, có mô hình mầm non bán trú đã tạo điều kiện để họ có thời gian phát triển kinh tế gia đình. Mô hình Mầm non bán trú ra đời là một minh chứng cho nỗ lực của chính quyền địa phương; của đội ngũ quản lý giáo dục, khẳng định sự nhận thức về xã hội hóa giáo dục của người dân trên địa bàn.
Nhờ mô hình bán trú dân nuôi, trẻ em xã Cư Pui được học 2 buổi/ngày. |
Một niềm vui nữa của giáo dục xã căn cứ Cư Pui, Trường Tiểu học Cư Pui II (điểm Ea Bar), với tổng nguồn vốn đầu tư 10 tỷ đồng đã được khánh thành, bàn giao đúng dịp khai giảng năm học mới năm học 2014-2015. Chưa hết, Trường THCS Cư Pui cũng được đầu tư xây dựng được nhà hiệu bộ trị giá 900 triệu đồng, hệ thống tường rào 1,2 tỷ đồng. (Đây là Trường THCS có đông học sinh nhất huyện Krông Bông, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang nên đã thu hút HS ngày càng đến trường đông hơn. Mừng nhất là nhận thức của phụ huynh về việc học của con em cũng được nâng lên, với tỷ lệ huy động ra lớp ở các cấp học đạt trên 95%. Đặc biệt, HS nghỉ học giữa chừng giảm đáng kể, năm 2010 tỷ lệ này chiếm hơn 6% thì nay giảm còn 2,06%. Đặc biệt, năm học 2014-2015 đã có gần 100 HS hoàn thành chương trình THCS được học tiếp lên bậc THPT; toàn xã có 80 em đang học đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. “Năm 2014 đã khép lại, điều mà mình tâm đắc nhất là đã làm được khá nhiều việc cho giáo dục. Tuy nhiên, thôn gần trung tâm xã nhất là 8 km, còn xa nhất là 25 km (thôn Ea Rớt), do đó sự học của các em vẫn còn khá chông chênh. Vì vậy, chúng tôi luôn mong mỏi làm sao sớm thành lập thêm một trường THCS nữa tại thôn Ea Lang (vị trí trung tâm của 6 thôn còn lại) để con đường đến trường của HS vùng khó bớt gian nan vất vả”, chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tâm trăn trở.
Chia tay vị Chủ tịch xã nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục khi cơn mưa do ảnh hưởng của bão ập đến, cũng đúng lúc giờ tan trường. Nhìn những cô, cậu học trò Trường THCS Cư Pui đang cố gồng mình trên chiếc xe đạp tránh mưa, lòng tôi chợt dậy lên một niềm thương mến và đồng cảm với nỗi lo khi một xã có đến 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, làm gì để “giữ chân” các em với trường lớp…
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc