Xây dựng Buôn Ma Thuột thành trung tâm y tế - giáo dục vùng Tây Nguyên: Những bước đi vững chắc
Những năm qua, mạng lưới y tế - giáo dục trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đây là bước đi vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Buôn Ma Thuột thành một trong những trung tâm y tế - giáo dục lớn cấp vùng Tây Nguyên vào năm 2030 theo Quyết định số 1194, ngày 22-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng giáo dục
Hay như việc mạnh dạn cải tiến cách “học chay” thông qua liên kết, hợp tác với đơn vị, doanh nghiệp để sinh viên đi thực tập của Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak cũng là một cách làm hiệu quả, bởi thực tập nghề nghiệp chính là “cơ hội vàng” giúp các em rèn luyện tay nghề, nâng cao ý thức nghề nghiệp, có thêm điều kiện cọ xát, trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm. Ngay như Trường Đại học Buôn Ma Thuột, dù mới thành lập, nhưng nhà trường vẫn cam kết đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Theo ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường: “Trong quá trình phát triển, nhà trường sẽ liên kết với một số trường chất lượng, có bề dày kinh nghiệm đào tạo một số ngành mới, tạo thêm cơ hội lựa chọn cho sinh viên, đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29, ngày 4-11- 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Để đạt được mục tiêu trên, chúng tôi triển khai phương pháp đào tạo theo 3 tiêu chí: trang bị cách học, phát huy tính chủ động của sinh viên, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động dạy-học. Đồng thời, áp dụng công nghệ đào tạo tiên tiến, hiện đại với sự tham gia tích cực của các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp vào các công đoạn của quá trình đào tạo”.
Với chất lượng đào tạo không ngừng nâng cao, Trường Đại học Tây Nguyên là lựa chọn của nhiều thí sinh (Trong ảnh: Một góc Trường Đại học Tây Nguyên). Ảnh: N.H |
Trước nhu cầu và đòi hỏi của xã hội về đội ngũ lao động, đặc biệt lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật sâu, những năm tới đây, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn sẽ tiếp tục mở rộng về quy mô và đa dạng ngành nghề đào tạo hướng tới mục tiêu đến năm 2020 cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Theo đó, thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học từ nay đến năm 2020, tỉnh đã đẩy mạnh phân luồng sau THCS, thực hiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo để năm 2015 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn có đủ khả năng tiếp nhận 25%-30% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học; phấn đấu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% vào năm 2020; đồng thời hoàn thiện mạng lưới trường lớp bảo đảm mỗi năm đào tạo chính quy 7.000-8.000 sinh viên có trình độ cao đẳng, 800-1000 sinh viên có trình độ đại học.
Trong định hướng đến năm 2025, tỉnh ta đã đặt ra mục tiêu đưa Dak Lak trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo có uy tín ở khu vực Tây Nguyên, có chất lượng giáo dục đủ sức cạnh tranh trong nước và khu vực ở các ngành: sư phạm, kinh tế, nông - ngư, kỹ thuật - công nghệ. Để hiện thực mục tiêu này, tỉnh đã có quy hoạch về phát triển mạng lưới trường học. Cụ thể, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 4 trường đại học (Đại học Tây Nguyên, Đại học Buôn Ma Thuột, Đại học Văn hóa Nghệ thuật, Đại học Y Dược), 2 phân hiệu đại học (phân hiệu Đại học Đông Á và phân hiệu Đại học Bình Dương), 5 trường cao đẳng (Cao đẳng sư phạm Dak Lak, Cao đẳng Y tế, Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Dak Lak, Cao đẳng Bách khoa Tây Nguyên, Cao đẳng Tây Nguyên) và 4 trường trung cấp chuyên nghiệp (Trung cấp Sư phạm Mầm non, Trung cấp Trường Sơn, Trung cấp Dak Lak, Trung cấp Đam San). Ngoài phát triển mạng lưới, tỉnh cũng tăng cường xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao theo hướng chuẩn hóa, đủ về số lượng, nâng cao chất lượng và có cơ cấu hợp lý theo nghề và trình độ đào tạo.
Sinh viên khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ Trường Đại học Tây Nguyên đang thí nghiệm định lượng corofan có trong nước thải. Ảnh: N.H |
Tăng cường đầu tư y tế theo chiều sâu
Trong những năm qua mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng đầu tư. Ngoài Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 14 bệnh viện đa khoa tuyến huyện được đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, thì việc xây dựng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên được xem là điểm nhấn quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm y tế lớn của khu vực. Công trình này có tổng kinh phí đầu tư gần 1.100 tỷ đồng, với quy mô 800 giường bệnh, gồm 53 khoa, phòng chức năng có cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, trang thiết bị tiên tiến, thực sự là một “bệnh viện xanh” - có hệ thống cây xanh bao phủ cùng hệ thống xử lý rác thải, nước thải y tế phù hợp quy chuẩn. Hiện công trình đã thực hiện được khoảng 50% cơ sở hạ tầng. Dự kiến, năm 2016, khi đi vào hoạt động, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên sẽ là bệnh viện tuyến cuối của khu vực với các dịch vụ, kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu như: phẫu thuật tim hở; can thiệp tim mạch; hồi sức cấp cứu chuyên sâu; phẫu thuật nội soi trên tất cả các lĩnh vực ngoại, sản, nội; điều trị ung bướu, cận lâm sàng chuyên sâu… Cùng với sự đầu tư từ phía Nhà nước, thời gian qua, ngành Y tế còn chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong hoạt động khám chữa bệnh. Đến nay, hệ thống y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.200 cơ sở, tỷ lệ giường bệnh tư nhân nằm ở mức hơn 2 giường bệnh/vạn dân.
Phẫu thuật vá nhĩ tự thân bằng nội soi tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột Ảnh: K.O |
Bên cạnh việc mở rộng về mạng lưới, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ngành Y tế đã tham mưu cho tỉnh tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng. Thông qua các hình thức gửi cán bộ, y bác sĩ đi đào tạo chuyên sâu tại các bệnh viện lớn trên cả nước, đến thời điểm này, ngoài các kỹ thuật chuyên môn của tuyến tỉnh được phép thực hiện, nhiều kỹ thuật mới vượt tuyến (kỹ thuật của tuyến Trung ương) như: phẫu thuật nội soi, thay khớp háng, tán sỏi ngoài cơ thể, chạy thận nhân tạo... đã được triển khai tại địa phương. Điển hình như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khoảng 10 năm trở lại đây triển khai được nhiều kỹ thuật mới, khó, được ngành chức năng và người bệnh đánh giá cao, chẳng hạn kỹ thuật nối chi giúp cho nhiều bệnh nhân bị tai nạn lao động và tai nạn giao thông thoát khỏi họa tàn phế suốt đời; phương pháp thay máu cho trẻ sơ sinh bị vàng da nhân do bất đồng nhóm máu mẹ con đã cứu nhiều trẻ sơ sinh thoát khỏi nguy cơ bại não, tử vong; kỹ thuật chạy thận nhân tạo giúp nhiều người bệnh được chữa trị ngay tại địa phương, tiết kiệm được chi phí điều trị; hay mới đây nhất là kỹ thuật đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn được ứng dụng đã mở ra cơ hội sống cho nhiều người bệnh.
Ngoài việc tăng cường đào tạo cán bộ cho các cơ sở y tế trên địa bàn, ngành Y tế cũng đã lên phương án chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khi đơn vị này đi vào hoạt động. Chia sẻ thông tin này, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Sở Y tế cho biết: “Mới đây, ngành đã xây dựng Đề án đào tạo kỹ thuật cao cho Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Hiện Đề án này đã được tỉnh đồng ý về mặt chủ trương và Sở Y tế đã đặt vấn đề với một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Huế, Viện Tim TP. Hồ Chí Minh... hỗ trợ công tác đào tạo”. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, HĐND tỉnh khóa VIII đã thông qua “Đề án quy định chính sách hỗ trợ đào tạo sau Đại học; thu hút nguồn nhân lực; điều động, luân chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh” với những chính sách đãi ngộ thỏa đáng tiếp tục mở ra cánh cửa mới cho ngành Y tế trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Kim Oanh – Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc